vsalogo

'Tôi kinh hoàng khi chứng kiến sự ô nhiễm tại vịnh Xuân Đài'

Ngày đăng: 22/03/2018
(VSA - 22/3/2018) Nếu không tiến hành quy hoạch chi tiết và quản lý nghiêm ngặt, khả năng sẽ tiếp tục xảy ra “đại thảm họa” về môi trường, dịch bệnh, thiệt hại ở các vùng nuôi trồng thủy sản bậc nhất, trong đó có tôm hùm.

Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo Giải pháp quy hoạch chi tiết và quản lý nuôi hùm bền vững, diễn ra ngày 16.8, do Bộ NNPTNT và UBND tỉnh Phú Yên tổ chức.

Ngành tôm hùm “ngắc ngoải”

Theo Tổng cục Thủy sản, nghề nuôi tôm hùm lồng phát triển cực mạnh từ năm 2000 tại các tỉnh ven biển Nam Trung bộ, đem lại nguồn thu hơn 3.500 tỷ đồng cho người dân nuôi (năm 2016). Trong đó, Phú Yên (31.995 lồng, sản lượng 650 tấn) và Khánh Hòa (25.259 lồng, sản lượng 592 tấn) chiếm hơn 90% sản lượng tôm hùm lồng cả nước.

Tại Phú Yên, tôm hùm lồng bùng phát “cực nóng” những năm qua đã khiến chính quyền quản lý không xuể, gây ô nhiễm, dịch bệnh và thiệt hại trầm trọng. Riêng trong tháng 5.2017, Phú Yên đã có trên 769.000 con tôm hùm lồng (khoảng 400 tấn) bị chết, ước thiệt hại trên 700 tỷ đồng. Tỉnh này cũng đang giữ “kỷ lục” cả nước về thiệt hại tôm hùm lồng.

Nuôi tôm hùm lồng tại vịnh biển Xuân Đài, Phú Yên. Ảnh: H.P

Ngư dân Bùi Văn Nhân (xã Xuân Thịnh, TX.Sông Cầu, Phú Yên) nói: “Chính chúng tôi cũng thấy cần phải có sự mạnh tay của chính quyền để đảm bảo mật độ lồng bè hợp lý, có khoảng trống cho tôm thở,… Nhiều tấn thức ăn thừa, đủ loại rác thải, bao bì,… chìm nổi lềnh bềnh, gây “ngộp thở, bức tử” nghề nuôi. Năm nào cũng bị dịch bệnh, tôm chết hàng loạt. Thiệt hại, thua lỗ thì người nuôi “ôm hận” trọn gói!”.

Ngư dân Trần Minh Phương - Tổ trưởng cộng đồng nuôi tôm xã Xuân Cảnh (Sông Cầu): “Thấy có lợi thì nông dân đổ xô làm để kiếm ăn. Vùng nuôi chật hẹp mà lớp lớp người đặt lồng bè ken cứng, không ai quản lý hướng dẫn, môi trường không “tức thở” mới là lạ! Tôi tha thiết đề nghị chính quyền và các nhà khoa học cần nghiên cứu nhanh chóng quy hoạch, quản lý chặt môi trường nuôi thủy sản”.

Ông Nguyễn Tri Phương - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Phú Yên cho rằng, dù tỉnh đã có quy hoạch Nuôi trồng thủy sản mặn lợ nhưng các địa phương chưa thực hiện quy hoạch chi tiết vùng nuôi, dẫn đến khó khăn về quản lý, giao, cho thuê mặt nước. Cơ quan chuyên môn chậm thông tin về môi trường và dịch bệnh. Việt Nam hiện chưa sản xuất được con giống, lại chưa kiểm dịch được toàn bộ nguồn giống tôm hùm khai thác tự nhiên (30% lượng giống hiện nhập từ các nước Đông Nam Á).

Ngư dân Bùi Văn Nhân nói: "Thiệt hại, thua lỗ thì người nuôi “ôm hận” trọn gói!”. Ảnh: H.P

Đặc biệt, Việt Nam hiện chưa có hệ thống chế nhà máy biến để đa dạng sản phẩm từ tôm hùm, 90% sản lượng tôm hùm cả nước đang lệ thuộc vào việc xuất khẩu nguyên con qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Bởi thế, thị trường tôm hùm thương phẩm luôn bấp bênh, người nuôi liên tiếp gặp rủi ro về giá cả,...

Cấp cứu vịnh nuôi? 

Theo ông Lương Minh Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên, nếu không tiến hành quy hoạch chi tiết và quản lý nghiêm ngặt, khả năng sẽ xảy ra “đại thảm họa” về môi trường, dịch bệnh, thiệt hại ở các vùng nuôi trồng thủy sản bậc nhất, như vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, đầm Ô Loan, vịnh Vũng Rô,…

PGS-TS Nguyễn Phú Hòa: "Tôi kinh hoàng khi chứng kiến tình trạng ô nhiễm chất thải tại vịnh Xuân Đài".

PGS-TS Nguyễn Phú Hòa: "Tôi kinh hoàng khi chứng kiến tình trạng ô nhiễm chất thải tại vịnh Xuân Đài".

PGS-TS Nguyễn Phú Hòa (Đại học Nông lâm TP.Hồ Chi Minh) cho biết, một nhóm nhà khoa học đang tập trung ráo riết cho đề án độc lập “Nghiên cứu giải pháp xử lý ô nhiễm và quản lý môi trường vùng nuôi tôm hùm tập trung vịnh Xuân Đài, Sông Cầu, Phú Yên”.

TS Hòa nói: “Tôi thấy kinh hoàng khi chứng kiến tình trạng ô nhiễm chất thải tại vịnh Xuân Đài (Sông Cầu). Mỗi ngày, có hàng trăm chất thải đủ loại từ các nhà bè, hoạt động nuôi tôm hùm, hồ nuôi tôm thẻ chân trắng,… được xả thẳng xuống vịnh biển này. Chất thải nuôi tôm hùm đã tích tụ từ hàng chục năm qua, tạo điều kiện cho tảo độc phát triển. Lớp bùn độc ấy khi bị bục vỡ, đảo trộn trong nước thì không con gì sống nổi! Có thể thời gian tới, thảm họa tôm hùm chết sẽ tiếp diễn”.

Giải pháp cấp thời, theo TS Hòa, khi thấy tôm leo bám sát nắp lồng thì phải cấp cứu oxy, nâng lồng để tôm thở. Tuy nhiên, việc nâng lồng phải tiến hành từ từ, để tránh cho tôm bị sốc thi thay đổi độ lạnh tầng nước. Chính quyền tỉnh cần kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu mua gom sử dụng vỏ ốc, sò, tôm hùm,… để góp phần giảm thiểu ô nhiễm chất thải, tăng thêm thu nhập cho ngư dân. Hướng dẫn người nuôi đầu tư sử dụng các dụng cụ đo độ PH, nguồn oxy trong nước,… để chủ động ứng phó cứu tôm khi có sự cố môi trường.

Thảm trạng tôm hùm chết tháng 5.2017 tại Sông Cầu, Phú Yên. Ảnh: H.P

TS Võ Văn Nha (Trung tâm Nghiên cứu thủy sản 3) gợi ý một số công nghệ mới, mô hình nuôi tôm hùm khép kín, nhằm giám sát triệt để môi trường vệ sinh, dịch bệnh. “Chính quyền và người dân phải dần hướng đến mô hình nuôi tôm an toàn. Bởi khi “vào cửa” xuất khẩu chính ngạch, các rào cản thương mại sẽ kiểm soát rất chặt vấn đề an toàn vệ sinh sản phẩm tôm hùm…” - TS Nha nhấn mạnh.

Còn theo ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, chính quyền tỉnh đang đặc biệt đầu tư nguồn lực, giải pháp bảo vệ các vùng nuôi thủy sản. Tỉnh đang đặt hàng các nhà khoa học vào cuộc mạnh mẽ để cứu vãn môi trường, ổn định ngành kinh tế nuôi tôm hùm. Mọi việc đang vô cùng cấp bách, sau các thảm họa dịch bệnh tôm hùm.

Theo baomoi.com

Bạn cần đăng nhập để bình luận