vsalogo

Tiềm năng, hiện trạng và thách thức phát triển ngành ngọc trai Việt Nam

Ngày đăng: 03/05/2018
(VSA - 03/05/2018) Về nguồn lợi trai ngọc Việt Nam rất phong phú cả định tính và định lượng.Ở biển, theo một số tài liệu khoa học đã công bố, có phân bố 13 loài thuộc 3 giống; trong đó có 4 loài giá trị kinh tế cao: Loài Pinctada martensii Dunker, loài Pinctada margaritifera Linne, loài Pinctada maxima Jameson, và loài Pteria penguin Roding để nuôi cấy ngọc.

Tiềm năng

Việt Nam có trên 3.200 km bờ biển, trên 3.000 hòn đảo, trong đó có trên 150 hòn đảo có người sinh sống, có trên 3.100 con sông và có 2.511 hồ chứa lớn nhỏ. Tổng diện tích mặt nước có thể phát triển nuôi trồng thuỷ sản ở nước ta khoảng 2.621.658 ha. Trong đó diện tích mặt nước mặn 568.424 ha và nước ngọt 923.234 ha. Đến năm 2007 mới sử dụng 106.5000 ha bằng 40,623% để nuôi thủy sản. Đối tượng nuôi chủ yếu cá, tôm, cua, ghẹ, sò, ngao, tu hài, hầu.Diện tích chưa sử dụng 1.556.658, bằng 59,377%, trong đó mặt nước mặn 453.424 ha và nước ngọt 443.234 ha; nhưng hầu hết mặt nước lớn của các hồ chứa chưa sử dụng1. Những diện tích mặt nước mặn, ngọt này phù hơp nuôi trai lấy ngọc.

Về nguồn lợi trai ngọc Việt Nam rất phong phú cả định tính và định lượng.Ở biển, theo một số tài liệu khoa học đã công bố, có phân bố 13 loài thuộc 3 giống; trong đó có 4 loài giá trị kinh tế cao: Loài Pinctada martensii Dunker, loài Pinctada margaritifera Linne, loài Pinctada maxima Jameson, và loài Pteria penguin Roding để nuôi cấy ngọc.Ở nước ngọt khu vực Bắc bộ có phân bổ 39 loài thuộc 19 giống, trong đó có 3 loài giá trị kinh tế cao: Loài Sinanodonta elliptica Heude, loài Cristaria bialata Lea và loài Sinohyriopsis cumingii Ler để nuôi cấy ngọc. Ngoài ra, còn 8 loài trai sông thuộc giống Lamprotulasp vỏ dầy từ 1-2 cm làm nhân ngọc, phân bố hầu hết các con sông ít phù xa đồng bằng, trung du miền núi Bắc Bộ.

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ ấm áp quanh năm. Nhiệt độ không khí trung bình hàng năm ở Miền Bắc (Quảng Ninh) là 22,70C ở Trung Bộ (Đà Nẵng) là 25,70C, ở Nam Trung Bộ (Bình Định) là 27,10C, ở Nam Bộ (Phú Quốc, Kiên Giang ) là 27,20C. Trai nuôi sinh trưởng đều các mùa vụ, tốc độ tạo ngọc nhanh, có thể cấy ngọc quanh năm, thuận lợi phát triển nghề nuôi cấy ngọc trai.Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển nghề nuôi cấy ngọc trai thành một ngành công nghiệp.

Theo sơ bộ tính toán, nếu sử dụng 1% diện tích mặt nước còn hoang hóa trên nuôi cấy ngọc trai được khoảng 568 triệu con trai Pinctada martensii Dunker và 221triệu con trai Sinohyriopsis cumingii Lea. Sản lượng ngọc loại A đến AAA dự tính 138 tấn kích thước trung bình 9mm và 35 tấn kích thước trung bình khoảng 7.5mm. Tổng doanh thu ngọc thô ước khoảng 3-5 tỷ USD. Chế biến thành ngọc thương phẩm, tổng doanh thu ước khoảng 10-15 tỷ USD. Ngoài ra còn cung cấp cho thị trường khoảng 54.000 tấn vỏ, 568 tấn thịt cơ khép vỏ và 33.400 tấn thịt trai làm nguyên liệu sản xuất cho các ngành nghề khác.

Hiện trạng

Nghề nuôi cấy ngọc trai ở nước ta ra đời được 50 năm, sớm so với các nước Đông Nam Á, nhưng lại chậm phát triển.Do chậm phát triển, các công ty nuôi cấy ngọc trai trong nước đã ngừng sản xuất hoặc chuyển đổi sang kinh doanh hàng trang sức ngọc trai. Riêng 4 công ty nuôi cấy ngọc trai Nhật Bản gồm Công ty TNHH ngọc Trai Taiyo, Công ty TNHH Ngọc trai Phương Đông (ở Quảng Ninh), Công ty TNHH Ngọc trai Việt Nam; Công ty TNHH Ngọc trai Sài Gòn (ở Nha Trang Khánh Hòa) và Công ty Cổ phần Ngọc trai Việt Nam (ở Quảng Ninh) còn nuôi cấy ngọc Akoya (Pinctada martensii Dunker và Pinctada fucata Gould&Botom).
Sản lượng ngọc khoảng 1,5-2 tấn/năm chủ yếu của Nhật Bản sản xuất. Lượng ngọc này tạm xuất về Nhật qua công nghệ sau thu hoạch tái xuất sang các nước khác.

Kể từ năm 1967, chúng ta đã có nhiều đề tài, dự án nghiên cứu về nuôi trai lấy ngọc, như:

  • Đề tài cấp Nhà nước “Sản xuất con giống, nuôi cấy ngọc trai và bào ngư thương phẩm”, mã số KN 04-07 năm 1991-1995;
  • Đề tài độc lập 119 “Hoàn thiện quy trình công nghệ xử lý ngọc trai sau thu hoạch và dây chuyền chế tác ngọc trai” năm 2007-2009;
  • Dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện công nghệ xử lý ngọc trai sau thu hoạch và công nghệ chế tác hàng trang sức ngọc trai biển Pinctada martensii Dunker” thuộc Chương trình Khoa học&Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nướcKC.07.DA, tháng 04/11-15;
  • Đề tài cấp tỉnh“Thử nghiệm nuôi cấy ngọc trai lần 2 loài Pinctada martensii Dunker ở vịnh Hạ Long Quảng Ninh” năm 2011-2015.
  • Đề tài cấp cơ sở “Nghiên cứu quy trình và dây chuyền công nghệ sản xuất nhân ngọc” năm 1999 – 2006.
    • Đề tài “Nghiên cứu quy trình và dây chuyền công nghệ sau thu hoạch ngọc trai ” năm 1999 – 2006.
    • Đề tài “Hoàn thiện công nghệ nuôi cấy ngọc màng áo, ngọc nội tạng có nhân cứng trai nước ngọt Sinohyriopsís cumingii Lea ” 2004- 2015.

Các đề tài, dự án trên cho ra được các quy trình công nghệ sau:• Quy trình công nghệ (QTCN) sản xuất con giống Pinctada martensii Dunker;

  • QTCN sản xuất con giống loài Sinohyriopsis cumingii Lea;
  • QTCN nuôi cấy ngọc loài Pinctada martensii Dunker;
  • QTCN nuôi cấy ngọc lần 2 loài Pinctada martensii Dunker;
  • QTCN nuôi cấy ngọc có nhân cứng loài Sinohyriopsis cumingii Lea;
  • QTCN sản xuất nhân ngọc;
  • Dây chuyền công nghệ ngọc trai sau thu hoạch;
  • Dây chuyền công nghệ sản xuất nhân ngọc.

Với các quy trình công nghệ này, sản xuất không còn phụ thuộc nước ngoài. Việt Nam hoàn toàn chủ động tổ chức sản xuất khép kín, tiêu thụ sản phẩm ngọc trai loài Pinctada martensii Dunker, loài Sinohyriopsis cumingii Lea, cho ra ngọc có nhân cứng kích thước đại trà 9-12mm và độ dầy từ 0,4-1 mm.

Chất lượng ngọc có thể thay thế dần sản lượng 40 tấn/năm ngọc Akoya kích thước nhỏ do Nhật Bản, Trung Quốc sản xuất và 1000 tấn/năm ngọc trai nước ngọt cấy bằng mô tế bào không có nhân cứng chất lượng thấp do Trung Quốc sản xuất.

Những khó khăn cần được giải quyết

Một là trong ngành động vật thân mềm, nuôi cấy ngọc trai đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn,doanh thu tính theo diện tích 1 m2 mặt nước, nuôi cấy ngọc trai gấp 16-20 lần nuôi cá và nuôi các động vật thân mềm khác. Hiện nay, chúng ta con lúng túng chưa lựa chọn được đối tượng nuôi phù hợp những diện tích mặt nước mặn, mặt nước ngọt còn hoang hóa. Trong khi mặt nước này rất phù hợp cho nuôi trai lấy ngọc, nhưng không phải là đối tượng chủ lực nuôi hiện nay.

Hai là diện tích mặt nước mặn, mặt nước ngọt còn hoang hóa chưa quy hoạch hoặc quy hoạch chưa phù hợp với nuôi trai lấy ngọc, hoặc chỉ quy hoạch diện tích mặt nước đang nuôi. Khi xin mặt nước để nuôi cấy ngọc gặp khó khăn, mất rất nhiều thời gian hoặc không giải quyết được vì không có quy hoạch.

Ba là trước đây trai sau khi cấy, nuôi 12 tháng thu hoạch ngọc. Để ngọc trai Việt Nam cạnh tranh được trên thị trường, cần phải kéo dài thời gian nuôi lấy ngọc 24-48 tháng. Như vậy diện tích mặt nước sử dụng tăng 2-4 lần. Theo Điều 12, Nghị định 27-2005/NĐ-CP ngày 08/5/2005 của Chính phủ:“Diện tích mặt nước biển cho thuê để nuôi trồng thủy sản không quá ba mươi (30) ha trong vùng biển ba (3) hải lý trởvào bờ hoặc không quá một trăm (100) ha trong vùng biển cách bờ từ ba (3) hải lý trở ra. Thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản không quá hai mươi (20) năm, được tính từ ngày ghi trong quyết định giao, cho thuê mặt nước biển”. Chính sách này không còn phù hợp để để các doanh nghiệp sản xuất ở quy mô công nghiệp tạo ra sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, có sức cạnh tranh trên thị trường. Bốn là hiện nay, có rất nhiều ngọc trai, hàng trang sức giả ngọc trôi nổi trên thị trường, không có xuất xứ hàng hóa.

Quảng cáo tiếp thị thiếu trung thực dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng, ảnh hương không nhỏ đến sự phát triển doanh nghiệp ngọc trai trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng.

Đề xuất kiến nghị

Thứ nhất, Chính phủ cần sớm có chủ chương như các nước có nghề nuôi cấy ngọc. Cụ thể, nên thực hiện khuyến nghị của chuyên gia ngọc trai quốc tế C. Richard Fassler: “…Chính phủ các nước coi nuôi cấy ngọc trai là một định hướng kinh tế đúng đắn, đang hoạch định lại nguồn lợi, vùng tài nguyên ven bờ, cũng như các eo vịnh, hải đảo và sông hồ của họ...một hoạt động mang lại sự phát triển cho nền kinh tế và hầu như không gây tác động tiêu cực đến cộng đồng và môi trường....”2 , bổ sung trai ngọc vào những đối tượng chủ lực nuôi hiện nay; quy hoạch lại mặt nước mặn, mặt nước ngọt còn hoang hóa, nhất là mặt nước vùng vịnh, vùng biển có nhiều đảo, các hồ chứa nước tự nhiên, nhân tạo và các con sông ít phù sa để tạo thuận lợi cho phát triển nuôi trai lấy ngọc.

Thứ hai, để ngọc trai Việt Nam có thương hiệu quốc gia, phát triền bền vững và sứng với tiềm năng, cần tạo ra mô hình liên kết chặt chẽ trong quá trình phát triển sản xuất giữa các doanh nghiệp nuôi cấy ngọc với ngư dân, nhà khoa học, ngân hàng thương mại. Cách làm này sẽ đem lại lợi ích cho các nhà liên kết trong việc phân chia lợi nhuận, quản lý được chất lượng sản phẩm, quản lý dược giá cả đầu vào đầu ra, bảo đảm phát triển có kế hoạch, kiểm soát được dịch bệnh và môi trường và phát triển bền vững.

Thứ ba, để phát triển được cần một số doanh nghiệp có năng lực làm nòng cốt dịch vụ đầu vào chủ yếu trai nguyên liệu, nhân cấy ngọc và vật liệu chuyên dùng chất lượng cao. Chuyển giao công nghệ nuôi cấy ngọc trai cho ngư dân, nông dân. Dịch vụ đầu ra chủ yếu bao tiêu sản phẩm hoặc chế tác thành ngọc thương phẩm cho ngư dân tự tiêu thụ. Do vậy cần phải đỡ đầu cho những doanh nghiệp này phát triển, vững mạnh.
Thứ tư, cần có kế hoạch nghiên cứu sinh sản nhân tạo, nuôi cấy ngọc loài Pinctada margaritifera Linne (ngọc trai đen), loài Pinctada maxima Jameson và những loài khác có giá tri kinh tế cao, để khai thác hết nguồn lợi sẵn có, làm phong phú sản phẩm ngọc trai Việt Nam, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho ngư dân trên các đảo xa.

Thứ năm, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) cùng với các cơ quan hữu quan Nhà nước tham gia hỗ trợ cho các doanh nghiệp, ngư dân những nội dung trên; quản lý giá cả đầu vào và đầu ra các sản sản phẩm; quản lý chất lượng con giống, chất lượng nhân ngọc, chất lượng nuôi cấy ngọc, chất lượng ngọc thương phẩm, chất lượng hàng trang sức; quảng cáo tiếp thị, tìm kiếm thị trường để nghề nuôi cấy ngọc trai Việt Nam phát triển nhanh, mạnh và bền vững./.

Tác giả: KS. Nguyễn mạnh Thắng - Công ty Cổ phần Ngọc trai Việt Nam

Bạn cần đăng nhập để bình luận