vsalogo

Những điều kỳ lạ về LOÀI BỌ BIỂN KHỔNG LỒ

Ngày đăng: 08/12/2020
Nhóm nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Lee Kong Chian thuộc Đại học Quốc gia Singapore vừa công bố loài sinh vật biển mới gọi là Bathynomus raksasa.

Loài giáp xác này được biết dưới cái tên là bọ biển (Isopod); bộ Isopoda (động vật đẳng túc) bao gồm khoảng 10.000 loài trong các môi trường sống đa dạng trên đất liền và dưới đại dương, chúng có kích thước dài từ vài mm đến gần 500 mm.

Trong số các động  vật  đẳng  túc sống dưới đại dương, chi Bathynomus bao gồm loài lớn nhất; loài bọ biển mới được tìm thấy, xuất hiện ở Ấn Độ Dương vào năm 2018, là một trong những loài Bathynomus lớn nhất từng được thấy trong tự nhiên.

Được đặt tên là Bathynomus raksasa (rakasa theo tiếng Indonesia có nghĩa là “khổng lồ”), loài bọ biển này có chiều dài trung bình khoảng 330 mm. Các nhà khoa học cho biết, đây là loài isopod khổng lồ  mới đầu tiên được mô tả trong hơn một thập kỷ và là loài đầu tiên trong số những loài isopod khổng lồ được tìm thấy ở vùng biển gần Indonesia. Dù lớn hay nhỏ, tất cả các động vật đẳng túc đều có chung nhiều đặc điểm, chẳng hạn như bốn bộ hàm, mắt kép, hai bộ râu và một cơ thể phân đoạn thành bảy phần, mỗi phần có một cặp chân riêng.

Trong số 16 loài Bathynomus được mô tả trước đây, 7 loài được coi là “siêu khổng lồ”: cá thể trưởng thành có chiều dài trên 150 mm và sau đó sẽ phát triển thêm đến 300 mm hoặc lớn hơn.

Các nhà nghiên cứu đã xác định được Bathynomus raksasa trong chuyến thám hiểm đa dạng sinh học biển sâu Nam Java; họ đã thu thập được hai mẫu vật, một đực và một cái, ở độ sâu đại dương từ 950 và 1.260 mét. Hình dạng độc đáo của khiên đầu và các đoạn bụng của Bathynomus raksasa, cũng như số lượng lớn gai (11 đến 13 gai) trên bụng, cho thấy loài siêu khổng lồ này là một loài mới.

Theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Lee Kong Chian thuộc Đại học Quốc gia Singapore, trong chuyến thám hiểm năm 2018, các nhà khoa học đã rất phấn khích khi phát hiện ra loài động vật đẳng túc đáy biển chi Bathynomus, còn được gọi là “Darth Vader của Đại dương”, tên một trong những nhân vật phản diện trong phim Chiến tranh giữa các vì sao.

Các nhà khoa học viết trong nghiên cứu cho thấy hình dạng độc đáo của phần giáp ở đầu và các đoạn bụng của B. rakasa, cũng như số lượng lớn gai từ 11 đến 13 cái trên bụng, cho thấy loài Isopod khổng lồ này là một loài mới chưa từng được ghi nhận trước đó.

Chuyên gia sưu tập bảo tàng và cũng là thành viên của  đoàn thám hiểm Muhammad Dzaki Bin Safaruan đã giơ sinh vật Isopod khổng lồ lên khi ở trên tàu nghiên cứu của Indonesia là Baruna Jaya VIII, trong một bức ảnh được bảo tàng chia sẻ trên Instagram năm đó.

Đồng tác giả nghiên cứu, Helen Wong, nhà nghiên cứu của Phòng  Thí nghiệm biển quốc gia đảo St. John, thuộc Viện Khoa học Biển nhiệt đới tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết: “Việc xác định loài mới này là dấu hiệu cho thấy chúng ta biết rất ít về các đại dương. Chắc chắn còn rất nhiều điều để chúng ta khám phá về đa dạng sinh học ở vùng biển sâu trong khu vực của chúng tôi”. Dù tìm thấy nhiều sinh vật mới, nhưng sau 2 năm từ cuộc kháo sát, loài Bathynomus raksasa mới được công bố chính thức.

 

Chuyên gia Muhammad Dzaki Bin Safaruan của bảo tàng lịch sử Lee Kong Chian

kiêm thành viên đoàn thám hiểm vui mừng khi bắt được con bọ biển khổng lồ.

Bọ biển khổng lồ và những điều kỳ quái

Chúng chính là họ hàng của loài Isopod có tên khoa học là Bathynomus giganteus được nuôi ở Thủy Cung Toba tỉnh Mie, Nhật Bản - tức con bọ “2 năm mới đại tiện một lần” đã được giới thiệu trước đây.

Dù lớn hay nhỏ, tất cả các động vật chân đốt đều có chung nhiều đặc điểm, chẳng hạn như bốn bộ hàm, mắt kép, hai bộ râu và một cơ thể phân đoạn với bảy phần, mỗi phần có một cặp chân riêng - theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) ghi nhận.

Mặc dù trông có vẻ dễ thương và không chủ động tấn công con người, song Isopod có thể nguy hiểm, chúng có những cái chân sắc và cặp hàm bén nhọn, đủ để gây ra vết thương nguy hiểm với khả năng nhiễm trùng cao nếu bạn không bắt nó một cách cẩn thận.

Năm 2019, một số nhà thám hiểm biển sâu của Đại học Louisiana phát hiện bầy Isopod đang “làm thịt” một con cá sấu bên dưới khu vực biển thuộc vịnh Mexico ở độ sâu cách mặt nước biển khoảng 2 km, cho thấy Isopod hoàn toàn có thể cắn xuyên qua lớp da dày của cá sấu.

Isopod đang ăn thịt cá sấu (Ảnh: Đại học Louisiana)

Nhà nghiên cứu Clifton Nunnally nói với Livescience: “Tôi đã từng nghĩ rằng da cá sấu là thứ khó xuyên qua, nhưng rõ ràng là các hàm kẹp và khả năng nghiền nát của Isopod khiến việc xé toạc lớp da trở nên dễ dàng”.

Chúng sẽ ăn rất nhiều và sau đó rơi vào trạng thái bất động, bởi thức ăn ở dưới đáy biển sâu là rất khó kiếm, chúng ta cũng từng được chứng kiến tập tính này ở một số loài ăn xác thối khác.

Chức năng tiêu hóa và trao đổi chất của Isopod rất chậm, chúng mất nhiều năm để tiêu hóa thức ăn, và sẽ mất thêm nhiều năm để có thể đại tiện, như cách mà con bọ ở thủy cung Toba, Nhật Bản đã thể hiện. 

Những con bọ biển khổng lồ gặm xác cá sấu nghe có vẻ đáng lo ngại, nhưng ngay cả những người anh em họ hàng nhỏ hơn của chúng cũng rất đáng sợ. Có một loài động vật chân đều sống ký sinh được gọi là “bọ cắn lưỡi” sống bằng cách nuốt chửng lưỡi của cá rồi hút hết nguồn máu. Sau đó, nó chiếm vị trí của lưỡi trong miệng vật chủ vẫn còn sống.

Ngày 26/5 vừa qua, Thủy Cung Toba ở tỉnh Mie (Nhật Bản) ghi nhận bọ biển Isopod đã... đại tiện lần đầu tiên sau 2 năm, lần cuối cùng chú bọ này thải ra gì đó là vào tháng 4/2018, những nhà nghiên cứu và người yêu quý động vật biển Nhật Bản tỏ ra rất hào hứng vì sự kiện này.

Isopod có thể sống rất lâu mà không cần ăn, mỗi cá thể nhịn ăn được khoảng 5 năm, sau khi ăn, nó sẽ mất nhiều năm để tiêu hóa hết  đồ ăn trong bụng. Trước đây Thủy Cung Toba có 2 chú bọ Isopod, tuy nhiên 1 trong số đó đã chết sau khi nhịn ăn 5 năm. Chính vì vậy, việc chú bọ còn lại có thể ăn và đi đại tiện chính là điều mà các nhà sinh vật học mong đợi, vì nó chứng tỏ chú bọ này vẫn khỏe mạnh.

Theo như phân tích của các nhà sinh vật học ở Thủy Cung Toba, phân của chú bọ không bao gồm các thành phần dư thừa từ cá mà thủy cung cho nó ăn, điều đó chứng tỏ rằng lần đi nặng này của Isopod đã cho ra những chất thải từ một bữa ăn cách đây 7 năm, lúc nó còn chưa được bắt lên khỏi đáy biển, rất đáng ngạc nhiên.

Người Nhật rất hâm mộ Isopod, nhiều sản phẩm đồ chơi và đồ gia dụng được thiết kế dựa trên loài bọ này, gần đây nhất có dụng cụ đựng trà túi lọc hình Isopod bán rất chạy. Họ cho túi trà vào trong bụng con Isopod bằng nhựa, sau đó đặt vào ly nước sôi, trà sẽ chảy ra từ những cái lỗ nhỏ bên dưới Isopod, đây là một quá trình khá thú vị để xem, mặc dù một vài người sẽ cảm thấy ghê khi liên tưởng đến con vật nhiều chân sống dưới đáy biển sâu nói trên.

Được biết, Isopod là ngôi sao của Thủy Cung Toba. Không chỉ có hình dáng tròn nhẵn dễ thương - theo thị hiếu của người Nhật, Isopod còn là một hóa thạch sống vốn đã xuất hiện từ 300 triệu năm trước. Isopod được ghi nhận là sống dưới đáy biển ở độ sâu từ 700 - 2100 mét!

Bọ biển còn quý hiếm và ngon hơn tôm hùm

Dù sở hữu vẻ ngoài khá xấu xí, thịt của loài vật này được nhiều người đánh giá là ngon hơn cả nhiều loại hải sản đắt tiền khác.

Trong đoạn video hơn 1,4 triệu views trên TikTok, một người đàn ông có ghé thăm một hàng hải sản nổi tiếng tại Sài Gòn và vô tình bắt gặp một con vật kỳ lạ. Chủ cửa hàng cho hay đây là bọ biển, được bán với giá 2,5 triệu đồng/kg, còn ngon và đắt hơn một số loại tôm hùm hay cua huỳnh đế ở Việt Nam. “Cua huỳnh đế em gọi anh lúc nào cũng có sẵn, còn con này thì cực hiếm. Nó sống ở dưới đáy đại dương lận!” – người chủ cửa hàng cho hay.

Con bọ biển này được chủ cửa hàng bán với giá 2,5 triệu đồng/kg (Nguồn: Phạm Dũng).

Bọ biển được ngư dân đánh giá là loại quý hiếm nhất trong thế giới hải sản. Đây là loài giáp xác, thân hình to lớn, “khoác áo giáp” màu nâu láng bóng, có khá nhiều chân với móng vuốt.

Mỗi con bọ biển nặng trung bình khoảng 1 kg, con to nặng tầm 1,5 - 1,7 kg, thậm chí có con nặng tới trên 2 kg.

Điều đặc biệt là con vật này chỉ sống dưới đáy biển sâu, được mệnh danh là “xe tăng lội nước” của đại dương. Hầu hết các loại hải sản - cả tôm hùm hay cua hoàng đế - đều có thể đánh bắt quanh năm, riêng bọ biển thì chỉ xuất hiện theo mùa, từ khoảng tháng 3 đến hết tháng 5 dương lịch hàng năm. Chính vì vậy, việc đánh bắt bọ biển không hề dễ dàng tí nào.

Vì “hiếm có khó tìm” và nhiều thông tin về giá trị bổ dưỡng của nó, bọ biển nhanh chóng trở thành loại hải sản được giới nhà giàu đua nhau săn tìm để ăn thử. Tại Việt Nam, mức giá của nó thường dao động khoảng 1,7 – 1,8 triệu đồng/kg. Vào cuối mùa, giá có khi lên đến 2,0 – 2,5 triệu đồng/kg nhưng vẫn không có hàng để mua.

Nhiều ngư dân và chủ vựa hải sản đều khẳng định thịt của loài bọ biển còn ngon hơn cả tôm hùm. Thịt có màu trắng đục, tập trung chủ yếu dưới phần mai với số lượng khá ít. Để giữ trọn hương vị, người ta chỉ chế biến bọ biển đơn giản bằng cách hấp, luộc hoặc nướng.

Theo nhiều người từng ăn thử, thịt của bọ biển thơm ngọt và thanh, có vị béo nhưng không ngậy, ăn kỹ còn cảm nhận được rõ vị của muối từ đại dương.

Đức Mạnh, Phạm Dũng

và nhiều người khác

Nguồn: Livescience, Internet

Bạn cần đăng nhập để bình luận