vsalogo

Mô hình thí điểm thu gom chất thải từ NTTS trên vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên

Ngày đăng: 07/12/2021
Vịnh Xuân Đài tiếp giáp với 5 xã, phường của thị xã Sông Cầu (xã Xuân Phương, các phường: Xuân Yên, Xuân Phú, Xuân Thành, Xuân Đài) và 2 xã của huyện Tuy An (An Ninh Đông, An Ninh Tây) tỉnh Phú Yên. Tại khu vực thị xã Sông Cầu, nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi nên nơi đây trở thành trung tâm nuôi trồng thủy sản (NTTS) lớn của tỉnh, trong đó nuôi tôm hùm bằng lồng bè được xem là một trong những vùng nuôi lớn nhất cả nước.

Tuy nhiên, hoạt động này đang gây ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng do chất thải được thải trực tiếp xuống vịnh, sự cố tôm hùm chết hàng loạt vào tháng 5/2017 do ô nhiễm là một minh chứng cụ thể.

Để góp phần đảm bảo an toàn vùng nuôi, từ năm 2019, Sở TN&MT Phú Yên đã triển khai mô hình thu gom chất thải từ NTTS trên mặt nước vịnh Xuân Đài tại phường Xuân Yên và bước đầu đi vào hoạt động ổn định. Sau hơn 1 năm triển khai, ngày 17/6/2020 Sở TN&MT Phú Yên phối hợp với UBND thị xã Sông Cầu tổ chức Hội nghị đánh giá và nhân rộng mô hình thu gom rác thải. Đây là những kinh nghiệm quý cho công tác chỉ đạo triển khai nhân rộng mô hình tại các xã, phường ven vịnh Xuân Đài của thị xã Sông Cầu trong thời gian tới.

Quá trình triển khai mô hình thu gom chất thải từ NTTS ở vịnh Xuân Đài

Phường Xuân Yên ở khu vực trung tâm của thị xã, là địa bàn NTTS lớn thứ 2 sau xã Xuân Phương. Năm 2018 - 2019, phường có 2.144 hộ, trong đó có 387 hộ nuôi với gần 9.500 lồng nuôi. Sự cố tôm hùm chết hàng loạt tại xã Xuân Phương và phường Xuân Yên vào tháng 5/2017, khoảng 1.393 lồng nuôi có tôm chết, các hộ NTTS của phường bị thiệt nặng.

Với điều kiện thuận lợi về hạ tầng thu gom chất thải rắn sinh hoạt và bức xúc về chất thải từ NTTS, phường Xuân Yên được chọn để tổ chức mô hình thí điểm. Ngay sau đó, UBND phường xây dựng phương án thu gom chất thải trong NTTS trình UBND thị xã phê duyệt để làm cơ sở triển khai mô hình.

Cuối năm 2018, Sở TN&MT đã phối hợp với UBND thị xã ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai mô hình, theo đó, 2 cơ quan đã chủ động triển khai thực các nội dung đã được phân công. Sở TN&MT tiến hành trang bị xe thu gom rác đẩy tay, thiết kế và in bản cam kết giữa hộ nuôi với UBND phường. Xuất phát từ yêu cầu thực tế, Sở tiếp tục bổ sung xây tiểu phẩm tuyên truyền phát trên loa truyền thanh phường, tờ rơi hướng dẫn và tuyên truyền, hỗ trợ 237 giỏ đựng rác để trên các lồng bè của các hộ nuôi.

Đại diện Sở TN&MT Phú Yên traogGiấy khen cho các cá nhân, tổ chức có thành tích triển khai mô hình

UBND thị xã thành lập Ban điều hành phương án thu gom chất thải trong NTTS do 1 Phó Chủ tịch UBND thị xã làm Trưởng ban; đề xuất UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt cơ chế áp dụng giá dịch vụ thu gom và xử lý rác thải trong NTTS như các hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ là 40.000 đồng/hộ theo Quyết định số 1550/QĐ-UBND ngày 9/8/2017 của UBND tỉnh về ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn trên địa bàn; hỗ trợ bổ sung 100 giỏ đựng rác để trên các lồng bè của các hộ nuôi.

UBND phường Xuân Yên thành lập Ban triển khai thực hiện phương án thu gom chất thải NTTS; hợp đồng và quản lý 3 nhân công đẩy vận chuyển xe rác tại các điểm tập kết rác đến nơi tập trung; bố trí xe rác đẩy tay tại 11 điểm tập kết trên bờ, đặt bảng hướng dẫn và tuyên truyền tại 6 điểm tập kết; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện phát định kỳ tuyên truyền trên loa truyền thanh; thành lập các tổ công tác phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam phường cùng các tổ chức đoàn thể đến từng nhà hộ dân có NTTS để vận động và ký cam kết tham gia mô hình, hướng dẫn mang chất thải từ bè vào các điểm tập kết trên bờ biển.

Đầu năm 2019 tiến hành ra mắt mô hình, UBND phường đã tập trung toàn bộ hệ thống chính trị với nhiều giải pháp đồng độ để thực hiện công tác tuyên truyền và vận động hộ nuôi ký cam kết và tự nguyện tham gia mô hình. Đến tháng 11/2019, mô hình chính thức đi vào hoạt động. Trong 2 tháng đầu (11-12/2019) không tiến hành thu tiền dịch vụ, xe tải thu gom rác duy trì lịch trình và thời gian thu gom rác để người dân quen dần với mô hình, đến tháng 6/2020 mô hình cơ bản đã hoạt động ổn định.

Kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm

Theo đó, tổng số hộ tự nguyện ký cam kết tham gia mô hình là 310/387 hộ, đạt tỷ lệ 80,1%; tổng số hộ tham gia đóng tiền dịch vụ cao nhất đến thời điểm hiện nay là 224/387 hô, đạt tỷ lệ 57,9%. Các hộ nuôi đã hình thành thói quen mang rác vào bờ, thời gian đầu lượng rác còn ít, sau tăng dần; bố trí 1 xe tải loại 6m3 và duy trì lịch trình thu gom thường xuyên vào chiều thứ 2, 4,6 hàng tuần.

Tháng 4/2020, Sở TN&MT phối hợp với UBND phường tiến hành lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của các hộ NTTS đối với mô hình. Qua đó cho thấy người dân đều đồng tình việc triển khai nhân rộng mô hình. Kết quả các tiêu chí khảo sát như sau:

Vị trí tập kết xe

Số lượng lượng xe

Tần xuất thu gom rác

Thu rác đúng lịch trình

Xe tải bỏ sót rác

Xe tải thu gom rác

Chất lượng

môi trường

Cần thiết nhân rộng mô hình

Phù hợp

Chưa phù hợp

Đã đủ

Chưa đủ

Phù hợp

Chưa phù hợp

Không

Không

Chưa

Thay đổi rõ

Cảm quan có thay đổi

Chưa thay đổi

Không

64,6%

35,4%

46,7%

53,3%

83,2%

16,8%

88,3%

11,7%

16,8%

83,2%

42,6%

57,4%

23%

26,1%

50,9%

81,1%

18,9%

Bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, mô hình vần còn một số tồn tại sau:

Vẫn còn một bộ phận các hộ chưa nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của mô hình và còn mang tính so bì với các hộ nuôi ở địa phương khác nên chưa tự nguyện tham gia mô hình, chưa tự giác mang chất thải NTTS vào bờ, chưa đóng tiền dịch vụ đầy đủ. Người dân mới chỉ mang vào bờ một phần lượng rác, các chất thải từ vệ sinh lồng bè, thức ăn dư thừa... chưa được thu gom triệt để. Một vài vị trí các hộ dân mang chất thải từ bè vào bờ nhiều nhưng xe đẩy tay nhỏ không đủ đựng chất thải nên gây mùi hôi; xe tải thu gom chất thải chưa đảm bảo vệ sinh môi trường do chất thải rơi vãi và nước rỉ rác. Giá dịch vụ chưa phản ánh được mức độ phát sinh chất thải giữa các hộ nuôi có nhiều lồng bè với hộ nuôi có ít lồng bè. Hoạt động NTTS chưa thực hiện tốt theo quy hoạch, tình trạng nuôi trồng tự phát, thiếu kiểm soát vẫn còn diễn ra.

Hiện nay, với giá dịch vụ 40.000 đồng/tháng, nhà nước vẫn phải bù lỗ, giống với hoạt động dịch vụ vệ sinh rác thải sinh hoạt. Cần tập trung ưu tiên duy trì hoạt động này. Thông qua việc đánh giá toàn diện các mặt mô hình, chúng ta đã rút ra các bài học kinh nghiệm cụ thể sau:

Một là, chính quyền phải làm tốt vai trò điều hành, thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện, qua đó kịp thời điều chỉnh cách thức, phương pháp thực hiện để phù hợp với tình hình thực tế.

Hai là, quần chúng nhân dân quyết định sự thành công của việc thực hiện mô hình. Vì vậy phải nắm chắc tình hình, kịp thời giải quyết ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Ba là, nâng cao vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động; có sự phối hợp chặc chẽ giữa các lực lượng. Phát huy vai trò của những người có uy tín trong các cấp ủy, trong các chi hội, các tổ chức tự quản ở khu dân cư.

Hệ thống lồng nuôi tôm hùm nhìn từ trên cao của người dân ở địa danh Hòn Yến, huyện Tuy An.

Kế hoạch triển khai thu gom chất thải NTTS trên vịnh Xuân Đài thời gian tới

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, chỉ đạo của hệ thống chính trị: 

Tiếp tục rà soát, củng cố Tổ quản lý cộng đồng NTTS bằng lồng bè, các thành viên của Tổ được giao mặt nước trong các phân vùng quy hoạch NTTS nhằm phục vụ cho công tác quản lý và hỗ trợ sản xuất, vay vốn tín chấp theo đúng quy định của nhà nước; Hướng dẫn hộ nuôi phân loại rác thành chất thải vô cơ - rác thải sinh hoạt và chất thải hữu cơ - xác thủy sản, thức ăn thừa, chất thải hữu cơ dễ bốc mùi hôi nên phải được bỏ vào trong các bao kín; Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội các cấp theo thẩm quyền, chịu trách nhiệm trước cấp trên trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện.

Thứ hai, tổ chức thu gom vận chuyển chất thải từ hoạt động NTTS: 

Khảo sát, xác định cụ thể các địa điểm tập kết và trung chuyển chất thải; bố trí lịch thu gom với tần xuất 2 ngày/lần, sau đó là 1 ngày/lần; Thành lập Tổ thu gom trung chuyển chất thải do UBND xã, phường trực tiếp quản lý; bố trí phương tiện vận chuyển rác thải đến bãi rác trung tâm thị xã hoặc bãi xử lý tạm thời của địa phương đối với những nơi quá xa.

Thứ ba, bố trí kinh phí hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn từ NTTS

Bên cạnh nguồn thu dịch vụ và ngân sách nhà nước, cần tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ nhằm tăng cường kinh phí cho hoạt động này; tiếp tục rà soát, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh phí dịch vụ theo hướng người phát thải nhiều phải trả chi phí nhiều.

Thứ tư, thực hiện xã hội hóa việc thu gom rác thải mặt nước trên Vịnh Xuân Đài: 

Xây dựng cơ chế nhằm kêu gọi các cá nhân có điều kiện phương tiện, tham gia hình thành dịch vụ thu gom rác thải trên các bè NTTS, sau đó vận chuyển vào bờ và tập kết tại những địa điểm được quy hoạch. Các hộ NTTS phải chi trả chi phí cho dịch vụ này theo hình thức thỏa thuận./.

Thạc sĩ Huỳnh Huy Việt

Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Phú Yên

Bạn cần đăng nhập để bình luận