vsalogo

MÔ HÌNH MỞ ĐẦU CHO NGHỀ NUÔI CÁ BIỂN CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Ngày đăng: 03/12/2020
Với bờ biển dài, nước trong sạch, độ sâu lớn, độ mặn phù hợp và ổn định, nhiệt độ các mùa ít chênh lệch, nhiều vịnh nước sâu và kín gió, các tỉnh Nam Trung Bộ là địa bàn chiến lược để phát triển nuôi biển công nghiệp. Các nhà khoa học của Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 (RIA 1) đã đi đầu chọn Vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) làm điểm xây dựng mô hình để biến những tiềm năng và lợi thế đó thành hiện thực, mở hướng nuôi biển mang tầm quốc gia.

Trang trại nuôi cá biển quy mô công nghiệp của Trung tâm Nuôi biển Công nghệ cao thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I nằm trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) được thành lập từ giữa năm 2013 với diện tích mặt biển khoảng 10 ha.

Kỹ sư Phạm Đức Phương, chuyên gia kỹ thuật phụ trách Trung tâm, cho biết, mô hình nuôi cá chim bằng lồng nhựa theo công nghệ Na Uy được hình hành từ năm 2012, đặt ở vịnh Vân Phong thông qua Dự án Nâng cao năng lực nghề nuôi cá biển Việt Nam do Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (NORAD) tài trợ nhằm phục vụ tập huấn và đào tạo công nghệ nuôi lồng biển mới, đồng thời triển khai thử nghiệm, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ nuôi biển theo quy mô công nghiệp.

Anh Phạm Đức Phương kiểm tra lưới tại lồng nuôi.

Người tiên phong nuôi biển công nghiệp

Phạm Đức Phương là một người đàn ông không cao to, không hay “ăn sóng nói gió” như dân biển, song lại là người kiên trì, nhẫn nại, chắc chắn, và đã gắn bó với công việc xây dựng trại này từ ngày xây dựng ý tưởng và tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Na Uy.

Phương sinh tháng 2 năm 1980, quê ở Thái Bình. Theo học Đại học Thủy sản Nha Trang từ năm 1998, tốt nghiệp kỹ sư nuôi trồng thủy sản năm 2003, anh bắt đầu sự nghiệp khoa học công nghệ nuôi biển tại Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1, có trụ sở đóng tại Đình Bảng, Bắc Ninh.

Ngay từ đầu và trong suốt sự gắn bó với nghề nuôi biển, Phạm Đức Phương đã tham gia nhiều khóa tập huấn về sản xuất các loài cá biển quy mô công nghiệp hiện đại tại Na Uy, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Scotland, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Malaysia,...

Năm 2006, anh cùng  với  một số người tâm huyết với nuôi biển công nghiệp lập ra Công ty TNHH Marine Farm Vietnam ở Khánh Hòa và trở thành Phó Giám đốc Công  ty. Năm 2011-2012  anh  đã  từng là Giám đốc Sản xuất tại Công ty Aquagrow Group Malaysia. Từ năm 2012 đến nay anh đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng Hợp phần 1 của Dự án NORAD kiêm Giám đốc Sản xuất Trang trại nuôi biển trình diễn của Viện. Từ năm 2015 đến nay anh là Tổng Giám đốc Công ty CP Đại dương Việt Nam.

Nét đặc thù của người trại trưởng khiêm nhường ấy là sự kết hợp hài hòa giữa kiến thức giàu có của nhà khoa học và phẩm chất thực tế và cụ thể của doanh nhân. Ngót 15 năm lăn lộn với mô hình trại nuôi cá biển công nghiệp đầu tiên của Việt Nam, Phạm Đức Phương xứng đáng được coi là một trong những người lính tiên phong trên mặt trận rộng lớn, mênh mông và đầy gian khó này. Công việc dẫu vô cùng bận rộn, anh vẫn đang tranh thủ từng chút thời gian để hoàn thành chương trinh cao học tại Đại học Nha Trang, chuẩn bị cho những chặng đường mới.

Lồng nổi HDPE đương đầu với bão tố

Ưu điểm của lồng nuôi theo công nghệ mới, đã được sử dụng ở Na Uy từ hàng chục năm trước là khung vành lồng được hàn bằng 2 hoặc 3 ống bằng nhựa polyethylen mật độ cao (High-Density Poly- Ethylene - HDPE) được sản xuất bằng phương pháp ép đùn nóng, cực kỳ bền, không bị ăn mòn, không bị gỉ sét, kín nước và có tuổi bền tối thiểu 50 năm trong những điều kiện khắc nghiệt nhất của biển cả. Khung ống nhựa HDPE vừa bền vừa có độ đàn hồi cao nên không  bị nứt gãy khi bị sóng nhồi, có khả năng chống chịu được bão cấp 12 hoặc cao hơn.

Theo anh Phương, toàn bộ hệ thống lồng được neo trên biển bằng công nghệ của Na Uy có tác dụng cố định và giảm lực tác dụng của sóng gió lên khung lồng. Do đó, khi gặp sóng to toàn bộ lực tác động của sóng gió được hấp thụ qua hệ thống phao chịu lực độc lập, sau đó hệ thống neo tự động điều chỉnh cho lồng lên xuống theo sóng.

Anh Phạm Đức Phương đang kiểm tra sự phát triển của cá chim vây vàng thương phẩm.

Mỗi lồng có hai lớp lưới siêu bền. Lưới lồng là lưới dệt không gút, kích thước mắt lưới dao động từ 8 - 40mm và độ sâu 5 - 8m vì tùy theo kích thước cá nuôi và có khả năng chống sinh vật bám, được gia cường bởi các dây giềng. Mỗi lưới được đánh dấu và có một mã số riêng để quản lý và ghi chép nhật ký sử dụng. Toàn bộ túi lưới được thiết kế, tính toán phù hợp với điều kiện vùng nuôi (lưu tốc dòng chảy, độ sâu…) và với từng đối tượng nuôi.

Lồng được neo bằng những khối bê tông nặng 4 tấn được lắp đặt ở các vị trí xác định trên nền đáy biển, vị trí mỗi neo được định vị rất chính xác bằng hệ thống định vị toàn cầu (GPS). Dây neo là loại dây PP bằng nhựa có đặc tính chịu được lực căng kéo, chống lại tác hại của dầu mỡ, chống bào mòn.

Nhờ những đặc tính trên, hệ thống lồng nuôi này cho phép người nuôi đặt lồng ở những vùng biển xa bờ nơi môi trường nước trong sạch, hạn chế được nguy cơ ô nhiễm, dịch bệnh…

Tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 12 tỷ đồng, trong đó riêng đầu tư chiếc tàu Ó biển khoảng 4 tỷ. Con tàu này có nhiệm vụ vừa vận chuyển hàng hóa và nhân công, vừa thực hiện công việc nặng như bốc xếp hàng hóa, cẩu lưới và thu hoạch thay cho lao động chân tay nhờ mặt trước boong có lắp đặt cần cẩu lớn.

Đầu tháng 11/2017, khi tâm của cơn bão Damrey gió giật cấp 14 - 15 quét qua, khiến 12 nghìn lồng bè nuôi tôm hùm và nuôi cá theo kiểu thủ công bằng gỗ, phao, thùng nhựa và xốp ở  huyện  Vạn  Ninh và Ninh Hòa (Khánh Hòa) đều bị sóng gió đánh tan, nhưng duy nhất những chiếc lồng nhựa HDPE đang nuôi cá chim chẳng mảy may suy chuyển.

Số người chết trên vịnh không thống kê được, vì có quá nhiều người dân cố bám trên các bè nuôi tôm hùm và nuôi cá không chịu di chuyển vào bờ tránh trú.

Sáng hôm sau khi gió bão ngớt giảm, chiếc tàu sắt ngày thường chuyên chở cá thì hôm ấy lệnh từ Viện trưởng phải lùng sục toàn vịnh để cứu người. Một ngày ròng rã từ sáng đến 10h đêm hôm ấy Phương đã chỉ huy tàu vớt được gần 100 người gặp nạn trên vịnh.

Làm chủ công nghệ nuôi cá biển tại các vùng biển mở

Trại hiện có 20 lồng tròn HDPE, đường kính 20 m, chu vi 60 m, lưới sâu từ 7-8 m, thể tích mỗi lồng 2.500m3 nuôi cá chim vây vàng thương phẩm và 22 lồng vuông kích thước 5x5x5m dùng để nuôi cá giống bố mẹ, ương cá giống.

Trại đã chủ động lắp ráp lồng nhựa HDPE, giá thành lồng đã giảm chỉ bằng 1/3 so với nhập khẩu. Hiện nay, giá sản xuất một chiếc lồng hình tròn theo công nghệ Na Uy chỉ mất 350 triệu đồng (loại lồng đường kính 20 m) trong khi giá nhập khẩu từ Na Uy về phải hơn 1 tỷ đồng. Ngoài việc kế thừa ứng dụng công nghệ nuôi cá lồng biển tiên tiến của Na Uy, Viện còn có nhiều cải tiến thêm cho phù hợp với điều kiện nuôi theo thực tế ở Việt Nam.

Theo anh Phương, Na Uy chủ yếu nuôi cá hồi, loại cá nước lạnh, thích ứng khí hậu ôn đới, vùng biển thả nuôi có độ sâu vài trăm mét. Còn ở Việt Nam là nuôi cá nhiệt đới và vùng nước nuôi có độ sâu chỉ vài chục mét, nên lồng nuôi và cách nuôi cũng cần cải tiến cho phù hợp.

Trang trại lựa chọn nuôi thuần cá chim vây vàng (Trachinotus blochii Lácepède, 1801). Đây là loài cá mà Viện hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất giống, công thức phối trộn thức ăn cũng được Viện tối ưu hóa dần rồi đặt hàng doanh nghiệp sản xuất. Cá chim vây vàng có lợi thế chất lượng thịt thơm ngon, kích thước và trọng lượng thương phẩm trên dưới 600g mỗi con phù hợp với gia đình nhỏ dùng trong một bữa ăn vì thế rất dễ tiêu thụ.

Lồng nuôi, lưới lồng được bố trí khoa học, dịch bệnh được kiểm soát qua cả một hệ sinh thái vùng nuôi. Mỗi lồng nuôi thương phẩm có khoảng 35.000 con cá, tiêu thụ mỗi ngày khoảng 200kg thức ăn.Thức ăn được cung cấp từ máy phun tự động trải đều, nhờ vậy con cá nào cũng được ăn đầy đủ nên kích cỡ khá đồng đều. Qúa trình nuôi tuyệt đối không dùng kháng sinh, sử dụng 100% thức ăn công nghiệp, tỷ lệ hao hụt thấp, tỷ lệ cá sống từ lúc thả đến cuối vụ nuôi kéo dài 8-10 tháng thường đạt từ 76 - 84%.

Điều hay nhất là trang trại rộng lớn như vậy nhưng được quản lý, vận hành chỉ với 11 cán bộ, công nhân. Mấu chốt mang lại thành công cho trang trại là việc áp dụng công nghệ nuôi công nghiệp, đảm bảo an toàn sinh học (tổng hòa các yếu tố từ con giống sạch, bố trí lồng nuôi khoa học, sử dụng thức ăn công nghiệp, đến giám sát dịch bệnh, giữ gìn môi trường vùng nuôi…).

Sau hơn 7 năm hoạt động, trang trại đã khẳng định được tính bền vững về khoa học công nghệ, và kinh tế. Từ năm 2018 đến nay trang trại hoạt động ổn định với sản lượng khoảng 200 tấn/vụ. Hiện 50% sản lượng cá thương phẩm tiêu thụ nội địa còn xuất khẩu sang Mỹ và các nước Trung Đông; với giá bán dao động từ 110.000-150.000 đ/kg, lợi suất 20-30% trên doanh số.

Thu hoạch cá chim tại trang trại.

Vụ này, cá phát triển nhanh, mới 8 tháng nuôi đã đạt trọng lượng trung bình 0,6 - 0,8kg/con, kích cỡ này phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng. Vụ nuôi giáp Tết, trang trại cung cấp 200 tấn cá thương phẩm ra thị trường, trong đó 50% phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán và 50% dành cho các đơn hàng xuất khẩu. Thu hoạch liên tục từ đầu vụ Tết, sản lượng cá ở lồng số 8 đang giữ kỷ lục với hơn 25 tấn”, anh Phương nói.

PGS.TS Phan Thị Vân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I - nhận xét, vì yêu cầu thị trường ngày một khắt khe, nên chỉ khi quản lý tốt chất lượng, sản phẩm có độ đồng đều cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc thì mới có cơ hội xuất khẩu. Phần lớn sản phẩm nuôi biển của Viện được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật và các nước Trung Đông…

Ngoài nuôi thương phẩm, trang trại còn là nơi trình diễn mô hình, đào tạo, chuyển giao công nghệ nuôi cá biển công nghiệp cho nhiều doanh nghiệp trong nước. Thời gian qua, trang trại đã đón hàng trăm khách đến tham quan, học  tập kinh nghiệm; đã tổ chức hơn  10 khóa đào tạo cho hàng trăm học viên, nghiên cứu sinh trong nước và quốc tế. Bước đầu, một số doanh nghiệp ở các tỉnh Quảng Ninh, Kiên Giang… đã được chuyển giao công nghệ theo mô hình lồng nhựa HDPE với số vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng.

Cá được bảo quản lạnh đúng kỹ thuật ngay sau thu hoạch

Vượt qua những khó khăn, đến nay, công nghệ sản xuất cá giống, nuôi thương phẩm, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch và vận chuyển cá đã được trang trại đúc kết thành công. Đây là đòn bẩy để thúc đẩy công nghiệp nuôi biển của Việt Nam”, anh Phương khẳng định.

Các chuyên gia của ngành Thủy sản Việt Nam khi đến tham quan trang trại nuôi cá chim vây vàng này đều có chung nhận định, tuy vốn đầu tư ban đầu khá lớn, mỗi lồng nuôi hơn 500 triệu đồng nhưng chỉ vài vụ nuôi, ngư dân có thể thu hồi vốn.

Thành công của trang trại đã mở ra tương lai xán lạn cho nghề nuôi cá biển công nghiệp. Ngành Thủy sản tại nhiều địa phương đang nhân rộng mô hình này đến các vùng nuôi.

Bạn cần đăng nhập để bình luận