vsalogo

Hội thảo Phát triển bền vững nuôi biển Quảng Nam

Ngày đăng: 29/03/2022
(VSA) “Quảng Nam có 125km bờ biển, với ngư trường rộng 40.000 km2, có Cù Lao Chàm ở Hội An với 8 đảo, diện tích 15 km2, có xã đảo Tam Hải ở Núi Thành với mũi Bàn Than và nhiều đảo nhỏ, chất lượng môi trường nước trong sạch. Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi biển công nghiệp. Hiệp hội VSA chúng tôi rất mong được cùng với tỉnh khởi động ngành nuôi biển công nghiệp tại đây” - PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Ngày 03/03/2022, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo Phát triển nuôi biển bền vững tỉnh Quảng Nam. Hội thảo với sự tham gia của đại diện của UBND tỉnh, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học & Công nghệ, Tài chính, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, ộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, Ban quản lý Cù Lao Chàm, UBND huyện Núi Thành, Phòng Nông nghiệp các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ, Hội Nghề cá tỉnh, Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư. Ngoài ra còn có sự tham gia của các Sở NN&PTNT các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, doanh nghiệp của tỉnh. Đông đảo doanh nghiệp hội viên VSA như Công ty Nhựa Super Trường Phát, Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Công nghệ NTTS, Công ty Minh Quang, Công ty Năng lượng Minh Hoàng, Công ty Trí Tín cùng các nhà nghiên cứu tới từ các Viện, Trung tâm trên cả nước.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

Trong diễn văn khai mạc, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói: “Quảng Nam có rất nhiều khả năng nuôi biển, với nhiều loài hải sản để chọn lựa chọn, như tôm hùm, cá dìa, cá bò…nhưng tỉnh vẫn đang vướng, chưa đưa đưa ra được sản phẩm chủ lực, vì vậy ngành nuôi trồng hải sản chưa phát triển. Hôm nay, lần đầu tiên một hội thảo chuyên ngành về nuôi biển được tổ chức rất quy mô và chuyên nghiệp tại tỉnh, tôi mong muốn các nhà nghiên cứu tham mưu tư vấn cùng các doanh nghiệp công nghệ thành viên Hiệp hội VSA hỗ trợ cùng chúng tôi để phát triển bền vững ngành nuôi biển của tỉnh chuyển sang một bước ngoặt mới, trở thành ngành nuôi biển công nghiệp”.

Chi Cục Thủy sản của tỉnh trình bày báo cáo tổng quan cho biết Quảng Nam có 125 km đường bờ biển, với ngư trường rộng 40.000 km2; nhiều cửa sông, lạch, lớn nhỏ, với khoảng 30.000 ha mặt nước, trong đó có 10.000 ha bãi triều thuận lợi cho nuôi thủy sản. Vùng ven biển có địa hình tương đối bằng phẳng, dải ven biển thoải, có các sông chính chảy qua như: sông Trường Giang, Tam Kỳ, Thu Bồn, đổ về 2 cửa (cửa Đại và cửa An Hòa), tạo thành vùng nước lợ rộng lớn. Phía Đông Bắc của tỉnh có cụm đảo Cù Lao Chàm, gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ với tổng diện tích là 15 km2, phía Nam có khu vực Vũng An Hoà, mũi Bàn Than, xã Tam Hải, huyện Núi Thành. Xung quanh các khu vực có các đảo nhỏ, chất lượng môi trường nước phù hợp có thể phát triển nuôi lồng bè.

Nuôi trên sông nước lợ, gần cửa biển khu vực Cửa Đại - thành phố Hội An; Cửa An Hòa, Cửa Lở - huyện Núi Thành, đối tượng nuôi chính là cá mú, cá dìa, hồng, chẽm, cá bớp, cá chim vây vàng, cá mú. Số lượng 3.308 lồng (quy cách 50-70 m3/lồng, khung lồng làm bằng gỗ hoặc thép, lưới PE). Con giống chủ yếu mua từ các tỉnh như Khánh Hòa, Ninh Thuận với kích cỡ lớn. Thời gian nuôi tùy thuộc vào đối tượng nhưng dao động khoảng 6 - 9 tháng. Sử dụng thức ăn công nghiệp, thức ăn tươi sống. Năng suất tùy thuộc vào đối tượng nuôi: cá bớp 12- 15 kg/m3; cá chim 9 - 11 kg/m3, cá dìa 7 - 9 kg/m3… Sản lượng thu hoạch năm 2021 là 3.000 tấn.

Nuôi lồng bè trên biển hở mới chỉ được thử nghiệm dưới dạng mô hình nuôi ốc hương, tu hài, vẹm tại vùng biển Cù Lao Chàm - thành phố Hội An; Bàn Than, huyện Núi Thành. Tuy nhiên, do khả năng chống chịu sóng gió của lồng kiểu truyền thống kém nên không đạt kết quả như mong đợi.

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam phát biểu tại Hội thảo.

Thạc sĩ Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh đã chia sẻ định hướng và mong muốn phát triển nuôi biển của Quảng Nam: “Trong năm 2022, ưu tiên phát triển các mô hình nuôi đa loài phù hợp với từng vùng sinh thái, chịu sức tải môi trường, gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi. Vùng bãi triều, đầm phá, rừng ngập mặn ven biển; phát triển nuôi trồng thuỷ sản hài hoà, hỗ trợ thúc đẩy du lịch phát triển. Xung quanh các đảo Cù Lao Chàm (ngoài phạm vi Khu Bảo tồn Biển Cù Lao Chàm); khu vực biển quanh mũi Bàn Than, khu Hòn Thơm, Hòn Dứa xã Tam Hải, huyện Núi Thành (ngoài khu vực quy hoạch bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản của trung ương, tỉnh). Đối tượng chủ yếu: Nhóm cá biển (cá bớp, cá chim, cá mú, cá hồng, cá bè …); nhóm giáp xác (tôm hùm); nhóm nhuyễn thể (bào ngư, ốc hương, hàu, vẹm xanh …); nhóm rong, tảo biển; sinh vật cảnh và các đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế khác. Áp dụng phương thức nuôi công nghiệp sử dụng lồng nuôi hiện đại bằng chất liệu HDPE, composite”.

Công nghệ mới tới từ những doanh nghiệp Việt Nam

Mô hình tàu mẹ phục vụ cho trang trại nuôi biển công nghiệp của Công ty GPM.

Đoàn các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội VSA đã mang đến nhiều giải pháp: tổ hợp tàu mẹ, sà lan mẹ phục vụ trang trại nuôi biển công nghiệp từ Ông Trần Hữu Nhũ – Phó Giám đốc, Công ty CP Dịch vụ Dầu khí và Hàng hải Toàn cầu (GPM). Đây là trang trại gồm tầu mẹ với các mô đun lồng (10-20 lồng; D=20 tới 30M với chiều sâu lưới 20m max, cung cấp dung tích nuôi các loại cá, gồm cả ngừ đại dương). Tàu mẹ được thiết kế làm cơ cấu lõi cho trang trại nuôi biển xa bờ; có chức năng tổng hợp của trung tâm chỉ huy sản xuất, kho thức ăn, nhà ở cho kỹ sư, công nhân vận hành trại nuôi… Với kết cấu 2 thân, vỏ thép, tự hành, boong điều khiển tập trung các trang thiết bị cho ăn tự động, theo dõi phát triển của cá.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình – TGĐ Công ty STP

Sản phẩm lồng bè nuôi cho khu vực cửa sông của công ty

Bà Nguyễn Thị Hải Bình – Tổng Giám đốc Công ty Nhựa Super Trường Phát (STP) đề xuất mô hình nuôi biển bền vững kết hợp du lịch sinh thái. Dự án của Công ty STP rất được quan tâm vì mở ra một hướng nuôi biển kết hợp du lịch mang tính bền vững, sử dụng các cấu kiện bằng vật liệu HDPE như: phao vuông, phao bầu dục nổi nuôi nhuyễn thể; lồng vuông, lồng tròn nuôi tôm và cá biển; giàn nổi cho nuôi nhuyễn thể; phao nâng D600 nâng giàn, nhà nổi phục vụ cho hạ tầng nuôi biển. Bà Bình chia sẻ: “STP mong muốn được đầu tư triển khai mô hình trang trại NTTS kết hợp du lịch bằng 100% nhựa HDPE, mô hình này chúng tôi sẽ kết hợp hình thức nuôi đa canh (nuôi nhuyễn thể, nuôi cá và rong biển), nhà nổi sẽ phục vụ du lịch trải nghiệm nuôi cá và coffee, hệ thống nhà bè bao gồm cả hệ thống xử lý nước thải nhà vệ sinh. STP sẵn sàng đưa ra các giải pháp tài chính hỗ trợ bà con như: cho trả chậm, trả góp, cho nợ... nhưng phải có sự chung tay về chính sách pháp lý của Tỉnh làm cơ sở; Phối kết hợp cơ chế chính sách địa phương cùng các Ngân hàng để ra các gói tài chính tháo gỡ khó khăn về vốn cho bà con”.

Ông Đỗ Ngọc Vinh - GĐ Cty Minh Quang

Mô hình bè nuôi biển bằng composite

Ông Đỗ Ngọc Vinh – Giám đốc Công ty TNHH MTV Minh Quang trình bày giải pháp bè nuôi bằng composite. Ông Vinh cho biết: “Bè nuôi biển bằng composite là một cấu trúc nổi được chế tạo bằng vật liệu composite theo QCVN 56: 2013/BGTVT. Hình dạng, kích thước bè composite có thể thay đổi theo yêu cầu, nhưng dài tối đa không quá 35m. Đối với bè nuôi biển bằng composiet dài 18m, rộng 12m, diện tích 216 m2, thể tích lồng nuôi hải sản là 1.000 m3, sức nổi 6 tấn; đảm bảo bền trong bão đến cấp 12; có tuổi thọ dài đến 50 năm, không gây ô nhiễm môi trường. Rùa neo bằng beton cốt thép, kích thước 1 x 1 x 1m; Bè composite có thể kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản với dịch vụ ăn uống và du lịch sinh thái biển. Chúng tôi cũng mong muốn được xây dựng mô hình nuôi biển bằng bè composite theo hướng công nghiệp tại tỉnh trong năm nay

Ông Lê Bền – Phó Giám đốc Công ty Trí Tín

 

         Các mô hình trồng rong nho và rong sụn.

Trồng rong theo mô hình kết hợp với nuôi nhuyễn thể (IMTA), mô hình đã nuôi thành công ở các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu và đang được nhân rộng ở các tỉnh ven biển khác. Ông Lê Bền – Phó Giám đốc Công ty TNHH Trí Tín chia sẻ kinh nghiệm chuyển giao công nghệ nuôi biển này tại hội thảo “Với 2 loài rong kết hợp là rong nho và rong sụn chúng tôi có những hình thức nuôi riêng. Trồng rong sụn bằng treo dây kết hợp với dây treo hàu đan xen; Trồng rong nho bằng vỉ thả phía dưới những lồng treo hàu hay nghêu. Một bài toán kinh tế rất đơn giản với 01 ha, ta sẽ có sản lượng 200 tấn/năm với Doanh thu = 5.000đ/kg x 200 tấn = 1 tỷ/năm. Trí Tín mong muốn các cấp chính quyền và các nhà khoa học quan tâm vào cuộc và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các nhà đầu tư để sớm đưa ngành Rong biển nước ta phát triển ngang tầm với các nước ở trên thế giới”.

Trong 2 ngày trước đó, Đoàn Hiệp hội VSA đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của Sở NN &PTNT, Chi cục Thủy sản và đặc biệt là Ban quản lý Cù lao Chàm trong chuyến khảo sát các vùng có khả năng nuôi biển. Trong chuyến khảo sát này các chuyên gia và doanh nghiệp đều nhận thấy Quảng Nam rất nhiều tiềm năng nuôi biển theo quy mô công nghiệp. “Đặc điểm ở Cù Lao Chàm cách đấy liền không nhưng lại có mực nước sâu, rất thuận lợi cho nuôi biển công nghiệp. Vùng biển với độ mặn cao và nước lưu thông chính vì vậy mà những đối tượng cá biển có giá trị cao đều nuô được tại đây” - ông Hoàng Văn Hợi – Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Công nghệ NTTS chia sẻ.

Ông Lê Thọ Tiến, Công ty TNHH sản xuất giống thủy sản Nam Mỹ phát biểu: “Tham dự Hội thảo tôi đã nhận được rất nhiều những thông tin mới, cập nhật những công nghệ mới rất thiết thực. Công ty chúng tôi cũng mong sẽ được hợp tác với một đơn vị của Hiệp hội VSA để nuôi biển tại Cù Lao Chàm. Tôi xin có 2 ý kiến liên quan đến vấn đề đầu tư, đó là: Thứ nhất: quy hoạch vùng biển được nuôi và không được nuôi, để chúng tôi xin mặt nước biển, có cơ sở đầu tư lâu dài; Thứ hai: chúng tôi mong muốn tỉnh tạo một cơ chế chính sách cho những người tiên phong cho phát triển nuôi biển công nghiệp để tạo thêm động lực cho chúng tôi vươn khơi”.

Ông Lê Thọ Tiến, Công ty TNHH sản xuất giống thủy sản Nam Mỹ

Ông Lê Vĩnh Thuận, Phó Giám đốc Ban Quản lý Cù Lao Chàm

Ông Lê Vĩnh Thuận, Phó Giám đốc Ban Quản lý Cù Lao Chàm đã đề cập rõ những mong muốn về nuôi biển tại Cù Lao Chàm: “Bản thân tôi luôn nhận thức được nuôi biển là để bù đắp lại những tổn thất và giảm áp lực cho nguồn lợi tự nhiên. Cù Lao Chàm cũng nằm trong khuôn khổ như vậy và cũng mong có một mô hình nuôi biển công nghiệp nhằm giảm áp lực lên khai thác nguồn lợi tự nhiên, đáp ứng nhu cầu cho du khách hiện nay càng ngày càng tăng. Tuy nhiên, khu bảo tồn biển được quy hoạch theo quy định của Thủ tướng Chính phủ với nhiều vấn đề liên quan đến bảo tồn sinh thái đặc hữu như rạn san hô, tảo biển, rong biển mà hiện nay được Nhà nước đầu tư cũng như chính những người dân trên đảo ra sức bảo vệ gần như là nguyên vẹn. Chính vì vậy mà Ban quản lý chúng tôi cũng rất băn khoăn về việc triển khai mô hình nuôi biển công nghiệp này có ảnh hưởng nhiều đến hệ sinh thái này không? Tôi xin đề xuất lãnh đạo tỉnh đưa mô hình nuôi biển công nghiệp này ra phía bên ngoài khu bảo tồn Cù Lao Chàm

Trả lời cho những ý kiến kiến nghị của đại biểu ông Phạm Viết Tích cam kết: “Sở NN&PTNT xin ghi nhận toàn bộ những ý kiến của đại biểu tại Hội thảo. Chúng tôi sẽ quy hoạch nuôi biển công nghiệp ngoài khu bảo tồn Cù Lao Chàm và chúng tôi sẽ làm đánh giá tác động của môi trường sinh thái và bảo vệ nguồn giống hay cá di cư bằng những phương pháp tốt nhất, giảm thiếu ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản”.

Để có cơ sở cho tỉnh Quảng Nam phát triển nuôi biển trong thời gian tới nhanh và hiệu quả tại hội thảo UNBD tỉnh Quảng Nam và Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam thống nhất ký Thỏa thuận hợp tác phát triển nuôi biển bền vững tỉnh Quảng Nam. Sự cởi mở của tỉnh Quảng Nam là tiền đề cho hướng đi mới – hướng đi của nuôi biển bền vững tại tỉnh.

Đại biểu tham dự Hội thảo

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, phát biểu bế mạc Hội thảo: “Tôi đề nghị các cơ quan nhà nước làm sao thủ tục hành chính phải nhanh gọn để cho các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh có hiệu quả và tôi cũng hứa với các doanh nghiệp nếu có thủ tục nào vướng đầu tiên liên hệ Giám đốc Sở NN&PTNT, nếu vẫn còn chưa giải quyết được tôi xin hỗ trợ cùng tháo gỡ, để đẩy mạnh nền công nghiệp nuôi cá biển bền vững tại tỉnh. Cuối cùng tôi xin chân thành cảm ơn các cơ quan ban ngành, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, các doanh nghiệp, nhà nghiên cứ và các ngư dân tham dự hội thảo”.

Hiệp hội VSA đã mang đến tỉnh Quảng Nam những công nghệ, giải pháp nuôi biển kết hợp du lịch và cả những giải pháp khắc phục nguy cơ của dịch bệnh trên cá biển. Tất cả các doanh nghiệp đều mong muốn được đầu tư và hợp tác với Quảng Nảm để góp phần khởi động ngành nuôi biển ở địa phương.

Minh Thu

Bạn cần đăng nhập để bình luận