vsalogo

ĐƯA NUÔI BIỂN TRỞ THÀNH NGÀNH ĐỘT PHÁ CHO KINH TẾ BIỂN VIỆT NAM

Ngày đăng: 10/01/2022
(VSA/TCVK) Theo Nghị quyết số 36 NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030”, nuôi trồng và khai thác hải sản là ngành ưu tiên trong các ngành kinh tế phát triển đột phá của kinh tế biển.

Để hiện thực hóa những mục tiêu của Nghị quyết, vừa qua Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu chung là phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái. Nhân dịp đầu năm mới, năm khởi đầu cho Đề án đi vào thực hiện, phóng viên Vươn Khơi đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) để bạn đọc biết rõ hơn về thực tế lĩnh vực nuôi biển hiện nay, chiến lược phát triển và những kiến nghị của VSA lên Quốc hội và Chính phủ trong việc chung tay cùng ngành thủy sản đưa lĩnh vực nuôi biển nâng lên tầm cao mới.

PV: Xin ông cho biết tiềm năng phát triển nghề nuôi biển xa bờ của Việt Nam, thách thức và cơ hội nào cho nghề cá Việt Nam phát triển, giảm thiểu sự phụ thuộc vào lực lượng đánh bắt tự nhiên?

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng: Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tổng diện tích có tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000 ha (5.000 km2), trong đó vùng bãi triều 153.300 ha; vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo là 79.790 ha và vùng biển xa bờ gần 167.000 ha, diện tích còn lại là các phương thức nuôi khác.

Giai đoạn 2010 - 2019, nuôi biển đã có những bước phát triển đáng kể, diện tích và sản lượng đã không ngừng tăng. Cụ thể, tổng diện tích nuôi biển năm 2010 đạt 38.800 ha, đến năm 2019 đạt trên 256.000 ha với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 23,3%/năm. Năm 2010, sản lượng nuôi biển chỉ đạt hơn 156.000 tấn, đến năm 2019 đạt gần 598.000 tấn, với tốc độ tăng trưởng bình quân 16%/năm.

Hiện người dân và doanh nghiệp áp dụng hình thức nuôi biển ngày càng nhiều chủng loại hơn, có thể kể đến như: nhóm nhuyễn thể (ngao/nghêu, sò, hàu, vẹm xanh, tu hài, bào ngư, trai ngọc, ốc hương,..); nhóm cá biển (cá song, cá giò, cá hồng, cá vược, cá tráp, cá chim vây vàng, cá sủ đất, cá măng biển..); nhóm giáp xác (tôm hùm, cua, ghẹ...); nhóm rong tảo biển (rong câu, rong nho, rong sụn, vi tảo biển…), nhóm da gai (hải sâm), các sinh vật cảnh nước mặn…Đây chính là cơ hội lớn để phục hồi hệ sinh thái đang ngày một bị phá huỷ nghiêm trọng bởi khai thác quá mức của con người.

Về sản xuất giống, trên cả nước hiện có 51 cơ sở sản xuất giống cá biển quy mô vừa, sản xuất được 509 triệu con mỗi năm. Đối với các đối tượng cua, ghẹ, công nghệ sinh sản nhân tạo đã được hoàn thiện và đã chuyển giao công nghệ sản xuất giống cho nhiều địa phương, góp phần vào việc phát triển nuôi cua, ghẹ thương phẩm. Song cũng còn một số loại hải sản cho giá trị cao như tôm hùm vẫn chưa có công nghệ sản xuất giống thương phẩm, nguồn tôm giống chủ yếu phụ thuộc vào khai thác tự nhiên và nhập khẩu, không ổn định về số lượng và chưa đảm bảo về chất lượng, đem đến rủi ro lớn cho người nuôi.

Mặc dù đã có những bước phát triển, nghề nuôi biển nước ta hiện vẫn còn manh mún, ở quy mô nhỏ lẻ nên chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế tự nhiên vốn có. Bên cạnh đó, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển còn nhiều hạn chế, dàn trải, thiếu đồng bộ. Việc quản lý và sử dụng các công trình, các dự án đầu tư còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao, nhiều dự án sau khi xây dựng đưa vào hoạt động chưa đạt được theo công suất thiết kế.

Việt Nam có khoảng 1 triệu km2 diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ), trong khi diện tích nuôi biển của nước ta đến nay chưa đạt tới 300.000 ha, mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước (1.140.000 ha theo số liệu của Tổng cục Thống kê). Như vậy, nuôi biển còn rất nhiều dư địa để phát triển, trong khi đó, hoạt động nuôi biển đến nay vẫn còn manh mún, tự phát, thường xuyên phá vỡ quy hoạch.

Bên cạnh đó, những khó khăn trong khâu cung cấp thức ăn do đa số các mô hình nuôi truyền thống vẫn sử dụng nguồn thức ăn chủ yếu từ cá tạp và động vật tươi. Nguồn thức ăn này không mang tính bền vững, gây nhiều ảnh hưởng đến môi trường và có thể dẫn đến khan hiếm nguồn cá giống tự nhiên, do khai thác quá mức, trong khi hệ số chi phí thức ăn cao, hiệu quả nuôi lại thấp, chi phí phát sinh lớn do giá thành thay đổi theo mùa.

Đặc biệt, nuôi biển tại Việt Nam hiện nay chủ yếu sử dụng lồng bè truyền thống gần bờ, hạ tầng còn nhiều yếu kém, thiếu quy hoạch và chính sách quản lý tốt, phải đối mặt với nhiều rủi ro, rõ nhất là suy thoái môi trường. Một số vùng nuôi hiện nay đang có dấu hiệu ô nhiễm nặng do độ sâu và tốc độ dòng chảy thấp, mật độ các lồng nuôi quá cao, chất thải sinh hoạt và chất thải từ hoạt động nuôi quá lớn, chưa kể những mâu thuẫn trong sử dụng mặt nước giữa nuôi biển và các ngành kinh tế khác như du lịch, vận tải biển, dầu khí, điện gió…

Vùng của của Công ty Australis tại Vịnh Vân Phong, Khánh Hòa

Hiện đang có quá ít doanh nghiệp nuôi biển, hầu hết các trại nuôi biển đều là quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, công nghệ lạc hậu, ở vùng ven bờ. Rủi ro ô nhiễm môi trường cao, nguồn lợi biển ngày càng suy giảm nghiêm trọng, quản lý môi trường biển còn lỏng lẻo. Hệ thống cảnh báo và kiểm soát an ninh kém, còn thách thức lớn cho việc phát triển nuôi biển xa bờ. Liên kết giữa các trại nuôi với hệ thống cung cấp thức ăn, con giống, chế biến, tiêu thụ, phân phối,… còn rất yếu kém. Hoạt động phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm còn yếu, phụ thuộc chủ yếu vào thương lái trung gian nhỏ lẻ.

Chúng ta chưa xây dựng được quy hoạch sử dụng và bảo vệ không gian biển quốc gia, thiếu chính sách khuyến khích và ưu tiên nhằm thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Công cụ quản lý nhà nước yếu và không có cơ chế đồng quản lý hiệu quả.

PV: Để chuẩn bị cho một cuộc “vươn khơi” với tầm vóc lớn, đạt kim ngạch xuất khẩu 0,8-1 tỷ USD vào năm 2025, VSA đã có những sự chuẩn bị gì để vươn ra nuôi biển xa bờ, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng: Nuôi biển là trọng tâm đột phá phát triển thủy sản trong 10 năm tới. Đây chính là dư địa lớn nhất còn lại của thủy sản trong thời gian tới, nếu không phát triển lĩnh vực này, chắc chắn sẽ không có được sự đột phá trong ngành thủy sản, đồng thời cũng là cơ hội tái tạo lại nguồn lợi thuỷ sản, đa dạng sinh học biển.

Để có sự đột phá, cần hoàn thiện thể chế chính sách liên quan đến nuôi biển, căn cứ trên Luật Thủy sản sửa đổi năm 2017. VSA đã chủ động phối hợp với Tổng cục Thủy sản và Bộ NN&PTNT đề xuất và tham gia xây dựng Chiến lược và Đề án phát triển công nghiệp nuôi biển Việt Nam trình Chính phủ; vừa qua đã được Thủ tướng Chính phê duyệt Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. VSA đang kiến nghị với Nhà nước các giải pháp phát triển nuôi biển, tăng nhanh số doanh nghiệp nuôi biển Việt Nam bằng cách hỗ trợ ngư dân và doanh nhân đầu tư vào nuôi biển công nghiệp.

VSA đã và đang thỏa thuận hợp tác với nhiều đơn vị trong nước, như: Bộ NN&PTNT, Bộ Tư lệnh Hải quân, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí, Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy, các tỉnh Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Ninh và hợp tác với các nước: Na Uy, Hoa Kỳ, Đan Mạch, Nhật Bản, Israel, Hà Lan, khối ASEAN,… để phát triển, ứng dụng công nghệ trong nghề nuôi biển công nghiệp hiện đại, bền vững.

Sự nghiệp phát triển canh tác biển còn lâu dài và nhiều khó khăn, nhưng nhất định chúng ta sẽ thành công trong việc đưa Việt Nam thành một cường quốc về nuôi biển công nghiệp.

PV: Theo ông, vấn đề cốt lõi để chúng ta có thể hiện thực hóa những mục tiêu lớn trong đề án đặt ra về kim ngạch xuất khẩu cũng như tỷ lệ nuôi biển bằng công nghệ hiện đại, điểm mấu chốt hiện nay mà chúng ta đang cần phải thực hiện và tháo gỡ khó khăn là gì?

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng: Ra biển là phải có công nghệ tiên tiến! Công nghệ nuôi biển trên thế giới hiện nay rất phát triển, như công nghệ chế tạo các lồng bè, thiết bị nuôi tiên tiến, với các phương thức lồng nổi, lồng bán chìm, lồng chìm, bằng các loại vật liệu bền vững, chịu nước mặn, hoạt động ổn định lâu dài ở khơi xa trong điều kiện bão tố (cấp 12-14) và thời tiết khắc nghiệt nhất; công nghệ sinh học phục vụ sinh sản nhân tạo đàn giống chất lượng cao, sạch bệnh; công nghệ dự trữ và phun thức ăn công nghiệp tự động đến từng lồng nuôi, tùy chỉnh theo cỡ cá, tình trạng thời tiết, tập tính ăn của cá; công nghệ các thiết bị camera chìm quan sát hoạt động của đàn cá nuôi, tình trạng tiêu thụ thức ăn, đo kích cỡ để ước tính trọng lượng đàn cá, cảnh báo dịch bệnh, theo dõi tình trạng lồng lưới; công nghệ nhuộm lưới bằng các chất chống bám bẩn sinh học để bảo vệ lưới an toàn và sạch sẽ trong suốt quá trình nuôi; công nghệ tự động real-time kiểm soát môi trường biển; công nghệ phát điện bằng năng lượng mặt trời, gió, sóng, thủy triều; công nghệ tự động lọc nước ngọt từ nước biển; công nghệ thông tin và điều khiển tự động,…

Hiện nay, chúng ta đã nhập nội, sử dụng nhiều năm và tự sản xuất được một số thiết bị công nghệ nuôi biển bền, chịu nước mặn, hoạt động ổn định trong bão cấp 12 và thời tiết khắc nghiệt, phù hợp với điều kiện biển nhiệt đới Việt Nam, điển hình là lồng tròn bằng nhựa HDPE kiểu Na Uy, có đường kính 15 - 30 - 50 mét. Cần tìm hiểu, nhập nội, nghiên cứu và hợp tác sản xuất các lồng cầu bằng thép hoặc nhựa HDPE (của Mỹ); lồng lưới chìm hình nón (Mỹ, Hàn Quốc); lồng lưới chìm cố định (Achentina); hệ thống lồng chìm liên kết 1 neo SubFlex (Israel); lồng thép hình tròn khổng lồ nuôi cá đại dương, tàu nuôi cá đại dương (Na Uy); lồng lưới treo nuôi nhuyễn thể xuất xứ từ nhiều nước Âu, Mỹ, Australia, Hàn Quốc…

NaUy là một trong những nước có công nghệ nuôi biển hàng đầu thế giới

Ngoài yếu tố công nghệ còn rất cần xây dựng các chính sách quản lý phát triển nuôi biển như: Giao quyền sử dụng vùng biển dài hạn (đến 30-50 năm) cho chủ đầu tư, chính sách về tín dụng, hỗ trợ đào tạo nhân lực, bảo hiểm nuôi biển, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ,… Và ngay từ đầu, cần xây dựng chuỗi liên kết cho các sản phẩm nuôi biển chủ lực, từ khâu sản xuất con giống, thức ăn, nuôi, bảo quản, chế biến, căn cứ trên thị trường xuất khẩu.

Chúng ta cần phát triển nuôi biển cả trong các eo vịnh ven bờ, ven các đảo và quần đảo, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới. Huy động nguồn lực kinh tế kỹ thuật của các ngành dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, cơ khí chế tạo, viễn thông, điều khiển học, nuôi trồng và chế biến, dịch vụ, thương mại thủy sản.

PV: Trong thực tế, hiện nay chúng ta đang gặp nhiều khó khăn để đạt tiêu chuẩn nuôi thủy sản xuất khẩu. Ông có giải pháp gì về vấn đề này để ngành nuôi thủy sản có thể “cất cánh’ đạt mục tiêu mong muốn, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng: Mục tiêu chung của Đề án mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành là phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển; góp phần bảo vệ an ninh, quốc phòng biển đảo của Tổ quốc.

Đề án đã đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha, thể tích lồng nuôi 10 triệu m3, sản lượng nuôi biển đạt 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 0,8-1,0 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, thể tích lồng nuôi 12,0 triệu m3, sản lượng nuôi biển đạt 1.450.000 tấn (trong đó nuôi biển xa bờ 30.000 ha, thể tích lồng nuôi 3,5 triệu m3, sản lượng 340.000 tấn), kim ngạch xuất khẩu 1,8-2,0 tỷ USD. Tầm nhìn đến năm 2045, ngành công nghiệp nuôi biển của nước ta đạt ở trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại; nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng trong ngành thủy sản, có đóng góp trên 25% tổng sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD.

Đề án đã cụ thể hóa một số nội dung, nhiệm vụ, như:

Phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ nuôi biển: Tổ chức nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất thức ăn, con giống chất lượng cao, giải pháp phòng chống và điều trị dịch bệnh, công nghệ nuôi, công nghệ thu hoạch và bảo quản sản phẩm trong nuôi biển; Phát triển khoa học công nghệ trong ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ nuôi biển tập trung vào công nghệ sản xuất lồng nuôi, dịch vụ hậu cần, thiết bị giám sát môi trường tự động, hệ thống cho ăn thông minh và các kỹ thuật, công nghệ có liên quan để thúc đẩy sản xuất phát triển; Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, vận hành và giám sát các hoạt động nuôi biển.

Phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển: Rà soát, đánh giá về thực trạng và nhu cầu hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nuôi biển làm cơ sở đầu tư sản xuất. Đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển nuôi biển xa bờ bao gồm các hạng mục hạ tầng thiết yếu vùng sản xuất giống phục vụ nuôi biển, vùng nuôi trồng thủy sản trên biển, công nghiệp hỗ trợ phục vụ nuôi biển, hệ thống quan trắc môi trường nuôi biển tự động,...; Hình thành các đội tàu dịch vụ hậu cần phục vụ nuôi biển theo hướng đa chức năng, từ vận chuyển giống, thức ăn đến thu hoạch, sơ chế, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.

Phát triển sản xuất giống phục vụ nuôi biển: Phát triển hệ thống nghiên cứu bao gồm cơ sở vật chất và nguồn nhân lực phục vụ sản xuất giống cho nuôi biển; Đầu tư xây dựng hệ thống sản xuất, chuyển giao con giống nuôi biển đáp ứng đủ nhu cầu số lượng và chất lượng, đặc biệt là các đối tượng có giá trị kinh tế, có tiềm năng mở rộng quy mô nuôi thương phẩm và thị trường tiêu thụ (vi tảo, cá cảnh, sinh vật cảnh,...); Tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác nguồn giống đối với một số giống loài nuôi biển đang phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên để đảm bảo không xâm hại đến nguồn lợi và phát triển bền vững.

Sử dụng phao nổi HDPE của Công ty Cổ phần Nhựa Super Trường Phát tại trang trại nuôi trồng thuỷ sản của ông Nguyễn Sỹ Bính, đảo Phất Cờ, xã Hạ Long bước đầu mang lại hiệu quả tốt.

Phát triển hệ thống sản xuất thức ăn phục vụ nuôi biển: Nghiên cứu, phát triển các công thức thức ăn, nguyên liệu chế biến thức ăn phù hợp với từng loài và giai đoạn phát triển, đặc biệt là giai đoạn con non, con giống của các đối tượng nuôi biển; Xây dựng các khu sản xuất thức ăn tập trung, gắn với khu dịch vụ hậu cần nghề cá và vùng nuôi biển tập trung; tiến tới chủ động sản xuất trong nước, đủ số lượng, đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất giống và nuôi thương phẩm.

Phát triển nuôi biển gần bờ: Ưu tiên phát triển nuôi, trồng các đối tượng có thị trường tiêu thụ và lợi thế cạnh trạnh: nhóm cá biển; nhóm giáp xác; nhóm nhuyễn thể; nhóm rong, tảo biển; sinh vật cảnh và các đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế khác; Áp dụng phương thức nuôi công nghiệp, ưu tiên phát triển các mô hình nuôi đa loài phù hợp với từng vùng sinh thái, sức tải môi trường, gắn với bảo vệ, phát triển nguồn lợi và đồng quản lý ở vùng bãi triều, đầm phá, rừng ngập mặn ven biển.

Hình thành vùng nuôi biển xa bờ tại các tỉnh trọng điểm: Phát triển mạnh nuôi các đối tượng có lợi thế cạnh trạnh và có thị trường tiêu thụ lớn trên vùng biển xa bờ; nhóm cá biển có giá trị kinh tế cao, nhóm nhuyễn thể và các đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế khác; với các phương thức: Nuôi công nghiệp, hiện đại, quy mô lớn, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; sử dụng hệ thống lồng, bè có kết cấu và vật liệu phù hợp với từng đối tượng nuôi, chịu được biến động thời tiết (sóng to, gió lớn, bão); Hình thành các vùng nuôi biển xa bờ tại các tỉnh trọng điểm như Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang và một số địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi.

PV: Với những nội dung phát triển nuôi biển xã bờ như Đề án đã chỉ ra, ông có thể cho biết những thành tựu đã đạt được và cơ hội sắp tới về nghề nuôi biển mà các địa phương có biển, doanh nghiệp thủy sản có thể tiếp cận trong thời gian tới?

PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng: Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp tại nhiều địa phương khác nhau trên cả nước đã đầu tư vào các trại nuôi biển theo phưng thức công nghiệp - một phương thức khởi nghiệp có tiềm năng rất lớn và lợi nhuận cao. Ví dụ:

Công ty TNHH Thủy sản Australis đã đầu tư trại nuôi cá chẽm quy mô lớn trên biển, tại vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) từ năm 2007. Công ty có cơ sở sản xuất giống, ương cá giống tuần hoàn khép kín trên bờ, ương giống lớn trên biển và vùng nuôi với hàng chục lồng nuôi HDPE đường kính lớn trên biển, có xà lan phun thức ăn, việc cho ăn được kiểm soát tự động bằng ứng dụng công nghệ internet kết nối vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI). Sản lượng của công ty đạt 5.000 tấn cá/năm, được nuôi với mật độ vừa phải và quản lý sát sao.

Ngày càng nhiều công ty tư nhân quy mô nhỏ và vừa đã và đang thành lập trại nuôi cá biển công nghiệp, sử dụng lồng HDPE, như Công ty TNHH Trấn Phú (ở Phú Quốc, Kiên Giang) có 12 lồng nuôi, 4 lồng ương và xà lan cùng với trại sản xuất cá giống; Công ty Maritec (ở Bà Rịa-Vũng Tàu), Công ty TNHH Thực phẩm Phúc Quang (Hạ Long, Quảng Ninh), Công ty TNHH MTV Minh Quang (Lý Sơn, Quảng Ngãi),…Các dự án trại giống cá biển sử dụng công nghệ tiên tiến RAS cũng đang dần dần được xây dựng, nhằm cung cấp giống cá biển chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu lớn về cá giống của nuôi công nghiệp, như của Công ty Eco Aquaculture tại Khánh Hòa, HTX Thủy sản Nông nghiệp Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu),….

Nuôi biển tự phát theo mô hình thủ công gần bờ gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Ngoài cá biển, nhiều dự án nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ và rong biển cũng đã và đang được hình thành, như Đề án phát triển chuỗi giá trị nuôi và chế biến, xuất khẩu ngao ở Nam Định (Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam), Chuỗi liên kết nuôi và chế biến hàu Thái Bình Dương ở Vân Đồn (Công ty Bavabi, Quảng Ninh), Dự án trang trại trồng rong trên vải và nhà máy chế biến tấm nori (Công ty TNHH Trí Tín, Khánh Hòa), Dự án chiết xuất các chế phẩm sinh học từ rong biển (Công ty CP Đại Dương, Khánh Hòa),...

Tuy nhiên, quá trình hình thành ngành nuôi biển công nghiệp ở Việt Nam chỉ mới ở điểm khởi đầu và phải đối diện với rất nhiều thách thức. Về phía sản xuất, những thách thức lớn nhất là: Lực lượng doanh nghiệp nuôi biển công nghiệp còn quá mỏng, trình độ công nghệ còn lạc hậu; Thiếu nguồn lực về vốn và tiếp cận tín dụng với ngân hàng để đầu tư vào công nghệ tiên tiến để nuôi xa bờ; Thiếu nguồn lao động chuyên nghiệp, được đào tạo; Quan hệ liên kết trong chuỗi giá trị (giữa trại nuôi với hệ thống cung cấp thức ăn, con giống, chế biến, tiêu thụ, phân phối,…) chưa được xây dựng.

Về phía quản lý Nhà nước, những “điểm nghẽn” lớn nhất là: Thiếu quy hoạch không gian biển quốc gia, thiếu chính sách khuyến khích và ưu tiên nhằm thu hút đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp; Công cụ quản lý nhà nước về biển còn yếu và không có cơ chế đồng quản lý hiệu quả; Quản lý môi trường biển lỏng lẻo, hệ thống cảnh báo và kiểm soát an ninh còn lạc hậu; Quan hệ phối hợp liên ngành để phát triển nuôi biển công nghiệp còn rất mờ nhạt.

PV: Để thực hiện Đề án nuôi biển đúng hướng, hiệu quả, thay mặt cộng đồng nuôi biển, ông có đề xuất gì lên các cấp cao hơn?

PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng: Để có điều kiện tốt hơn cho việc thực hiện Đề án, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành những điểm sau đây:

Trước mắt, trong khuôn khổ các quy định chính sách hiện hành, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương tập trung giải quyết các vướng mắc về quy hoạch vùng biển trong phạm vi từ 6 hải lý trở vào để có thể triển khai việc giao hoặc cho thuê khu vực biển lâu dài cho các doanh nghiệp và HTX để thực hiện các đề án phát triển nuôi biển bền vững và vùng đất ven bờ để làm cơ sở hậu cần dịch vụ; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, xây dựng các trại giống hải sản ứng dụng công nghệ cao, cũng như đào tạo công nhân nuôi biển chuyên nghiệp và cán bộ quản lý trại nuôi.

Để có cơ sở phát triển lâu dài, kiến nghị Chính phủ tiếp tục thiết lập khung chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư phát triển cộng đồng doanh nghiệp nuôi biển (giao quyền sử dụng vùng biển, hỗ trợ lãi suất, tiếp cận vốn tín dụng trung dài hạn, ưu đãi thuế); hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các chuỗi giá trị nuôi biển; khuyến khích tích hợp đa ngành và hợp tác quốc tế để tranh thủ công nghệ hiện đại, bảo đảm khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

Kiến nghị Bộ TN&MT xây dựng Quy hoạch không gian các vùng biển xa bờ và hải đảo căn cứ trên việc đánh giá sức tải môi trường các vùng biển; đồng thời thiết lập Hệ thống quốc gia Giám sát và Cảnh báo Môi trường biển.

Kiến nghị Bộ NN&PTNT khẩn trương xây dựng Chính sách Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng nuôi biển công nghiệp tập trung theo Quyết định số 1664 QĐ/TTg và Nghị quyết số 836 NQ/BCSĐ ngày 17/7/2019 của Ban Cán sự Đảng Bộ NN&PTNT.

Kiến nghị Bộ KH&CN xây dựng Chương trình KHCN cấp quốc gia về phát triển nuôi biển công nghiệp 2021-2030; thực hiện việc chuyển các Viện, Trung tâm, Phân viện ngành thủy sản thành các doanh nghiệp KHCN, cung cấp giống hải sản và dịch vụ công nghệ cao cho các doanh nghiệp nuôi biển công nghiệp.

Kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Ngoại giao đàm phán với Na Uy và các quốc gia tiên tiến về nuôi biển (Hoa Kỳ, Oxtraylia, Nhật Bản, Hàn Quốc,...) để sử dụng các nguồn tín dụng hỗ trợ xuất khẩu của họ gắn với công nghệ, thiết bị nuôi biển tiên tiến.

Kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp xây dựng Đề án đào tạo nhân lực nuôi biển chuyên nghiệp, gồm công nhân nuôi biển, quản lý trại, công nhân công nghiệp phụ trợ nuôi biển công nghiệp.

Kiến nghị Bộ Giáo dục Đào tạo, các trường đại học và cao đẳng, trước hết là Đại học Nha Trang xây dựng chương trình đào tạo đại học ngành Nuôi biển Công nghiệp.

Kiến nghị Bộ Quốc phòng nghiên cứu xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Nuôi biển Quốc gia, đủ năng lực tài chính và công nghệ, làm nhiệm vụ kinh tế kết hợp quốc phòng, dẫn dắt phát triển nuôi biển xa bờ, trên cơ sở sáp nhập các Hải đoàn 128-129 và một số nhà máy công nghiệp quốc phòng và các doanh nghiệp khác.

Kiến nghị Chính phủ giao cho Hiệp hội VSA xây dựng đề án thành lập Quỹ Khởi nghiệp và Phát triển nuôi biển công nghiệp - tổ chức hợp tác công-tư (PPP) với nguồn kinh phí chủ yếu do doanh nghiệp đóng góp theo quy định, cùng tài trợ của nhà nước và hỗ trợ quốc tế. Quỹ sẽ cung cấp tài chính cho doanh nghiệp nuôi biển công nghiệp và các tổ chức marketing quốc gia, có nhiệm vụ phát triển thương hiệu Hải sản Tinh túy Việt Nam.

Về lâu dài, kiến nghị Quốc hội xem xét thành lập Bộ Phát triển Kinh tế Biển và Thủy sản để thống nhất quản lý nhà nước về sử dụng, bảo vệ tài nguyên môi trường biển và kinh tế thủy sản, trên cơ sở sáp nhập Tổng cục Biển và Hải đảo thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT, cùng một số cơ quan hữu quan khác.

Cộng đồng các thành viên của Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam nhận thức rằng Việt Nam đang đứng trước thời cơ vàng để phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp. Chúng tôi tin tưởng Đảng và Nhà nước sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức KHCN biển Việt Nam tận dụng có hiệu quả thời cơ đó, tiến ra làm chủ vùng đặc quyền kinh tế rộng gấp ba diện tích đất liền, làm giàu cho dân, đưa nước ta thành quốc gia hàng đầu thế giới về nuôi biển.

Năm 2022 sẽ là năm mở đầu những đột phá lớn cho ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng!

Liên Minh thực hiện

Bạn cần đăng nhập để bình luận